Yêu bao tử

BỆNH LÝ ĐƯỜNG TIÊU HÓA DO CĂNG THẲNG

22/09/2021



Gần đây bạn có cảm thấy dạ dày của bạn nhói lên từng cơn khi bạn căng thẳng không? (Ảnh: Internet)

 

Suy nghĩ trạng thái tâm lý có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể con người không phải là mới. Đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 đang diễn ra, căng thẳng gần như được đẩy lên đến giới hạn chịu đựng của mỗi người.

Bạn biết đấy đây chỉ là một phản ứng tự nhiên - được gọi là phản ứng chống stress của cơ thể nhưng lại làm chậm hoặc tạm ngừng hoạt động của hệ tiêu hóa.

1. Stress là gì?

Hiểu một cách đơn giản, stress là phản ứng của cơ thể trước những biến cố trong cuộc sống.

Yếu tố thuận lợi gây stress có thể kể đến:

  • Môi trường bên ngoài: thời tiết, tình trạng ô nhiễm (tiếng ồn, khói bụi…)

  • Những thay đổi bên trong cơ thể: ốm đau, thay đổi nội tiết…

  • Căng thẳng từ gia đình, xã hội

  • Điều tác động mạnh mẽ là cách bạn suy nghĩ khi gặp biến cố

     

2. Vì sao stress dễ gây ra bệnh đường tiêu hóa?

Làm thế nào để cơ thể chúng ta phản ứng với căng thẳng?

Lần gần nhất bạn cảm thấy bụng cồn cào do hồi hộp là khi nào? Hay sau một cuộc cãi vã bạn có thấy bụng mình thắt lại?

Hệ tiêu hóa của chúng ta như một đội phản ứng nhanh rất nhạy cảm với những căng thẳng và lo lắng của cơ thể.

  • Đầu tiên, stress, lượng thức ăn, trạng thái cảm xúc có thể ảnh hưởng đến sinh lý và hành vi ăn uống [2]

  • Thứ hai, stress ảnh hưởng xấu đến chức năng bình thường của đường tiêu hóa, gồm thay đổi nhu động; tăng kích thích nội tạng; thay đổi bài tiết; tăng tính thấm ruột; tác động tiêu cực đến khả năng tái tạo niêm mạc đường tiêu hóa và lưu lượng máu của niêm mạc; và hệ vi sinh vật đường ruột.[4]

Hệ tiêu hóa được điều khiển bởi hệ thống thần kinh ruột (ENS), khoảng 200 - 600 triệu tế bào thần kinh xấp xỉ bằng số lượng tế bào thần kinh trong tủy sống,[1] tạo thành “bộ não của ruột”. Chúng bao gồm tế bào cảm giác, vận động và các tế bào thần kinh trung gian.

 

3. Triệu chứng căng thẳng đường tiêu hóa

Hãy tưởng tượng căng thẳng cũng như thức ăn của bạn. vậy bạn có thể nhịn ăn hay không? Làm sao bạn có thể bỏ đói chính mình được?

Vậy khi ăn quá nhiều thì chuyện gì sẽ xảy ra? Bạn bắt đầu thấy bụng căng chướng, khó tiêu căng thẳng.

Ở thời điểm đầu mới chớm bệnh, các dấu hiệu cảnh báo từ đường tiêu hóa thường gặp:

  • Bạn bị tụt năng lượng: mệt mỏi, bồn chồn, chán ăn…

  • Bụng khó chịu sau ăn

  • Tiêu chảy ngắt quãng hoặc táo bón

  • Cảm giác chướng bụng, đầy hơi, bụng sôi ùng ục

  • Cảm giác khô miệng, khó nuốt, nôn và buồn nôn

  • Ợ nóng

  • Cơn đau nhói, co thắt vùng thượng vị

  • Chuyển biến nặng thành cơn đau thắt dữ dội, đôi khi khiến bạn bị nôn mửa, loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết dạ dày

Nếu bạn đã có các vấn đề về tiêu hóa như trào ngược dạ dày, loét dạ dày – tá tràng, hội chứng ruột kích thích… stress có thể làm các triệu chứng xấu đi.

 

4. Lời khuyên giúp giảm stress

4.1 Điều trị bệnh lý tiêu hóa do stress

Trong tình huống này, chúng ta nhận thức stress chính là nguyên nhân gây ra các bệnh lý đường tiêu hóa. 

Vậy nếu chúng ta chỉ tiếp cận điều trị dựa trên điều trị triệu chứng, còn nguyên nhân gây bệnh (tình trạng stress) không xóa bỏ dứt điểm, thì các vấn đề tiêu hóa của bạn hoàn toàn có thể tái phát. Căng thẳng mãn tính trong thời gian dài có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn.

Do đó, điều quan trọng để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu đó là sự hợp tác giữa người bệnh với bác sĩ điều trị, theo đúng liệu trình và làm theo lời khuyên của Bác sĩ.

 

4.2 Lời khuyên giúp giảm stress [4,5,6]

Thực tế phản ứng của cơ thể là hai thái cực “Chiến đấu hoặc chạy trốn” (Fight-or-Flight”). Nhưng tin xấu là việc nghĩ mình có thể trốn tránh stress và phiền não là điều bất khả thi. Cũng như thức ăn, hãy nhớ tiêu hóa stress điều cần thiết để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Và bạn hãy tìm ra cách của riêng mình.

Hoạt động như yoga, làm vườn có thể là những cách tích cực để giảm bớt căng thẳng ((Ảnh: Insider)

 

Dưới đây là mẹo giúp bạn có thêm cách để thay đổi cách thức tiêu hóa căng thẳng của mình:

  • Thay đổi cách nghĩ khi gặp những biến cố. Hãy nhớ bạn có rất nhiều lựa chọn ví như:

    • Chấp nhận hiện tại sẽ làm giảm lo lắng và hạn chế các triệu chứng

    • Hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách hoặc là tự cách ly mình khỏi các yếu tố gây stress một thời gian.

    • Khi bạn cảm thấy mình đủ khỏe mạnh lại quay lại tiêu hóa căng thẳng đó. Như sắp xếp thời gian, những ưu tiên trong công việc, cuộc sống, học cách nói “không” …

    • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ một người đáng tin cậy, như bạn bè, người thân hay một chuyên gia y tế.

  • Tập thể dục: Hoạt động thể chất kích thích việc phóng thích các endorphins làm giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng của bạn. Cải thiện chức năng, thời gian vận chuyển ruột (ở phụ nữ) từ đó giúp chữa táo bón.[4]Cũng giúp cải thiện triệu chứng tiêu hóa trọng của hội chứng ruột kích thích (IBS).[5]

  • Học cách thư giãn: Ngay bình thường những phương pháp đều giúp ích cho bạn. Một số liệu pháp thư giãn như: yoga, thiền, và cả âm nhạc. Hãy dành khoảng 30 phút mỗi ngày để làm việc bạn thích. Thậm chí đơn giản chỉ là việc đi tắm hoặc đọc sách, viết nhật ký.

  • Ăn những thực phẩm lành mạnh, mang năng lượng tích cực: rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế chất béo, tránh rượu, bia, các chất kích thích.

Hy vọng những gợi ý trên có thể giúp đỡ bạn vững tin hơn trong việc tiêu hóa căng thẳng.

Cuối cùng, nếu bạn lo lắng về việc stress ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, hãy tham khảo ý kiến của Bác sĩ và thử điều trị với liệu trình y tế được khuyến nghị. Nhiều bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa không thể biến mất chỉ bằng cách giảm căng thẳng vì còn liên quan đến nhiều khía cạnh sinh học, tâm lý, xã hội nếu muốn điều trị dứt điểm.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Furness, J. B. (2008). The enteric nervous system. John Wiley & Sons.

  2. Ulrich-Lai, Y. M., et al. (2015). Stress exposure, food intake and emotional state. Stress, 18(4), 381-399.

  3. Konturek, P. C., et al. (2011). Stress and the gut: pathophysiology, clinical consequences, diagnostic approach and treatment options. Journal of physiology and pharmacology : an official journal of the Polish Physiological Society, 62(6), 591–599.

  4. Cho, K. O., Jo, Y. J., et al. (2013). Colon transit time according to physical activity and characteristics in South Korean adults. World Journal of Gastroenterology: WJG, 19(4), 550.

  5. Johannesson, E., Simrén, M., et al. (2011). Physical activity improves symptoms in irritable bowel syndrome: a randomized controlled trial. American Journal of Gastroenterology, 106(5), 915-922.

  6. Get help with stress. (June 2021). https://www.nhs.uk/mental-health/feelings-symptoms-behaviours/feelings-and-symptoms/stress/#symptoms-of-stress

Chia sẻ: