Yêu bao tử

TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY, TẠI SAO ĐIỀU TRỊ KHÔNG DỨT?

14/07/2021

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì? 

Cơ chế xảy ra trào ngược

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi a-xít trong dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản (đoạn nối giữa miệng và dạ dày). Sự trào ngược này gây kích thích và có thể gây tổn thương thực quản.

Hầu hết người bệnh có thể cải thiện tình trạng bệnh bằng cách thay đổi lối sống và dùng thuốc. Nhưng một số người phải dùng nhiều thuốc với liều cao hơn hoặc cần phải phẫu thuật để giảm triệu chứng.

Triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Những triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thường gặp gồm: 

  • Cảm giác nóng rát ở ngực (ợ nóng), thường xảy ra sau ăn, có thể nặng hơn về đêm
  • Trào ngược thức ăn hoặc ợ chua
  • Đau ngực
  • Khó nuốt
  • Cảm giác vướng ở cổ
  • Nếu bạn bị trào ngược a-xít về đêm, người bệnh có thể biểu hiện:
    • Ho kéo dài
    • Viêm thanh quản
    • Bệnh hen suyễn mới khởi phát hoặc nặng thêm
    • Giấc ngủ không liên tục

Nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây ra do sự trào ngược a-xít thường xuyên. Khi nuốt thức ăn, một vòng cơ quanh đoạn cuối của thực quản (cơ thắt thực quản dưới) dãn ra để cho thức ăn và nước đi xuống dạ dày. Sau đó, cơ thắt này đóng lại. 

Nếu cơ thắt này dãn ra bất thường hoặc bị yếu, a-xít dạ dày có thể trào ngược lên thực quản. Sự trào ngược thường xuyên của a-xít sẽ kích thích thực quản, làm cho thực quản bị viêm.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Những tình trạng có thể làm tăng nguy cơ của bệnh trào ngược dạ dày thực quản gồm: 

  • Thừa cân, béo phì
  • Thoát vị hoành (sự nhô lên của phần trên của dạ dày qua cơ hoành khiến một phần của dạ dày bất thường nhô vào trong khoang lồng ngực)
  • Có thai
  • Những bệnh lý mô liên kết, như xơ cứng bì
  • Chậm làm trống dạ dày

Những yếu tố có thể làm nặng thêm tình trạng trào ngược bao gồm: 

  • Hút thuốc lá
  • Ăn no hoặc ăn muộn ban đêm
  • Ăn một số thức ăn có thể làm khởi phát triệu chứng như thức ăn nhiều mỡ hoặc đồ chiên xào
  • Uống thức uống giải khát, như bia rượu, hoặc cà phê
  • Uống thuốc, như aspirin

Biến chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Sau một thời gian, sự viêm mạn tính ở thực quản có thể gây ra: 

  • Chít hẹp thực quản. Tổn thương ở đoạn dưới thực quản do a-xít dạ dày có thể tạo thành mô xơ. Mô xơ làm hẹp đường đi của thức ăn, dẫn đến nuốt nghẹn, nuốt khó.
  • Loét thực quản. A-xít dạ dày có thể làm loét thực quản. Loét thực quản có thể chảy máu, gây đau và gây nuốt khó.
  • Những thay đổi tiền ung thư ở thực quản. Những tổn thương do a-xít có thể gây ra những biến đổi ở thực quản. Những thay đổi này có liên quan đến gia tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản

trào ngược dạ dày 2

Nội soi

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh dựa vào thăm khám và hỏi bệnh.

Để xác định bệnh hoặc để phát hiện biến chứng, bác sĩ có thể thực hiện: 

  • Nội soi tiêu hóa trên. Bác sĩ đưa máy nội soi qua họng, xuống thực quản và tới dạ dày. Kết quả có thể bình thường, hoặc có dấu hiệu viêm thực quản và những biến chứng khác của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô (sinh thiết) để tìm các biến chứng như thực quản Barrett. 
  • Đo pH thực quản. Một thiết bị nhỏ được đặt ở thực quản để phát hiện thời điểm có sự trào ngược a-xít dạ dày trong ngày và triệu chứng kéo dài trong bao lâu. Thiết bị này thường là một ống nhỏ, mềm được đưa vào thực quản lúc nội soi và được kết nối với một máy tính nhỏ để đeo ở hông hoặc ở vai, sau đó sẽ được thải ra ngoài theo đường phân sau khoảng 2 ngày. 
  • Đo áp lực thực quản. Xét nghiệm này đo áp lực co cơ của thực quản khi nuốt. 
  • Chụp X-quang đường tiêu hóa trên. X-quang được chụp sau khi bệnh nhân uống một chất lỏng trắng đục, phủ lên bề mặt ống tiêu hóa. Lớp phủ này giúp bác sĩ thấy được hình bóng của thực quản, dạ dày và phần đầu của ruột non. Bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu uống viên thuốc có chứa barium để giúp chẩn đoán hẹp thực quản khi mà tình trạng hẹp này cản trở việc nuốt thức ăn bình thường. 

Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

♦ Dùng thuốc điều trị

  • Thuốc trung hòa a-xít dạ dày. Những thuốc này, như phosphalugel, maalox,… giúp giảm nhanh triệu chứng nóng rát. Không thể giúp lành viêm thực quản nếu dùng một mình. Nếu lạm dụng có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy hoặc táo bón. 
  • Nhóm thuốc ức chế thụ thể H-2 giúp làm giảm sản xuất a-xít, gồm cimetidine, famotidine và nizatidine. Nhóm thuốc này không làm giảm nhanh triệu chứng, nhưng tác dụng làm giảm triệu chứng kéo dài hơn nhóm thuốc trung hòa a-xít dạ dày.
  • Nhóm thuốc ức chế bơm proton giúp ngăn chặn sự sản xuất a-xít và làm lành thực quản. Giúp ngăn chặn sự tiết a-xít mạnh và làm lành thực quản nhanh hơn nhóm thuốc ức chế thụ thể H-2 bao gồm Pariet (r-a-b-e-p-r-a-z-o-l-e), lansoprazol và omeprazole

♦ Phẫu thuật và thủ thuật điều trị

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường có thể kiểm soát được bằng cách thay đổi lối sống và uống thuốc điều trị. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện sau vài tuần bác sĩ có thể kê thêm thuốc, tăng liều hoặc xem xét phẫu thuật.

  • Phẫu thuật khâu xếp nếp đáy vị vào thực quản (fundoplication)

  • Vòng LINX. Đây là một vòng kim loại có lực nam châm, bác sĩ sẽ thực hiện một tiểu phẫu nhỏ để đưa vòng này vào đặt nó ở vị trí tiếp nối giữa dạ dày và thực quản. Nhờ có lực nam châm, vòng này sẽ siết nhẹ quanh đoạn nối này và ngăn không cho a-xít từ dạ dày trào ngược lên thực quản, nhưng vẫn cho thức ăn đi từ thực quản xuống dạ dày bình thường. 

Chú thích: Vòng Linx được đặt ở vị trí nối dạ dày - thực quản

♦ Điều trị thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống có thể giúp làm giảm số lần trào ngược a-xít trong ngày. Hãy thử:

  • Duy trì cân nặng thích hợp. Tình trạng thừa cân làm tăng áp lực trong ổ bụng và tăng sức ép lên dạ dày và dẫn đến trào ngược a-xít lên thực quản.
  • Ngưng hút thuốc. Hút thuốc cơ thắt thực quản dưới hoạt động không tốt và dễ dẫn đến trào ngược. 
  • Nâng cao đầu giường. Nếu bạn thường bị trào ngược khi đi ngủ, hãy thử nâng cao đầu giường hoặc chèn một cái đệm để nâng cơ thể từ phần hông trở lên. Nếu chỉ đơn thuần kê thêm gối ở phần đầu thì không hiệu quả.
  • Không nằm xuống ngay sau ăn. Chờ ít nhất 3 tiếng sau khi ăn trước khi nằm xuống và đi ngủ.
  • Ăn chậm và nhai kĩ.
  • Tránh những thức ăn có thể gây trào ngược. Một số thức ăn thường gây trào ngược bao gồm thức ăn béo, nhiều dầu mỡ, sốt cà chua, rượu bia, sô cô la, bạc hà, tỏi, hành tây và cà phê…
  • Tránh mặc quần áo chật. Quần áo chật làm tăng áp lực ổ bụng và dễ dẫn đến trào ngược.

Tại sao triệu chứng trào ngược không bớt? 

Sau vài tuần dùng thuốc, nếu triệu chứng trào ngược (ợ nóng, ợ chua,..) của người bệnh không giảm thì có thể do (1) triệu chứng không phải của bệnh trào ngược dạ dày thực quản mà là một số bệnh lý đường tiêu hóa khác cũng có triệu chứng tương tự hoặc (2) người bệnh thật sự bị mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản nhưng khó trị hơn bình thường và bác sĩ cần xem xét lại và điều chỉnh lại phương pháp điều trị cho phù hợp hơn.

Một số bệnh có triệu chứng tương tự như bệnh trào ngược dạ dày thực quản:

  • Loét dạ dày, thực quản
  • Ung thư dạ dày, thực quản
  • Ợ nóng chức năng
  • Một số bệnh khác ít gặp hơn: như co thắt tâm vị, viêm thực quản do tăng bạch cầu ái toan,…

Tùy vào từng bệnh lý cụ thể, bác sĩ có thể sẽ làm thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán những bệnh này (nội soi dạ dày thực quản, chụp X-quang đường tiêu hóa trên,…)

Sau khi loại trừ những bệnh lý trên, nhiều khả năng người bệnh bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản kháng trị. Bác sĩ thường sẽ điều chỉnh lại phương pháp điều trị bệnh cho phù hợp hơn như: 

  • Điều chỉnh thêm về lối sống (cố gắng giảm cân hơn để đạt được cân nặng thích hợp, cố gắng bỏ thuốc lá…)
  • Kiểm tra sự tuân thủ dùng thuốc ức chế bơm proton 
    1. Liều thuốc có phù hợp không
    2. Thời điểm uống thuốc có đúng không (nhóm thuốc ức chế bơm proton như Pariet, sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất nếu uống 30-60 phút trước bữa ăn đầu tiên trong ngày)
    3. Sự tương tác thuốc. Một số thuốc dùng chung với thuốc ức chế bơm proton sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc.
  • Chia nhỏ liều, hoặc tăng liều, hoặc đổi sang thuốc khác.
  • Bổ sung thêm thuốc khác để hỗ trợ điều trị (như Alginate, thêm thuốc ức chế thụ thể H-2 vào ban đêm).
  • Điều chỉnh tâm lý và có thể bổ sung thêm một số thuốc để giảm bớt ảnh hưởng của yếu tố tâm lý lên bệnh do các yếu tố tâm lý làm bệnh khó trị hơn.

Ths.Bs. Đoàn Hoàng Long

ĐHYK Phạm Ngọc Thạch - Khoa nội tiêu hóa

Tài liệu tham khảo

1. Gyawali CP, Fass R. Management of Gastroesophageal Reflux Disease.Gastroenterology.2018;154(2):302‐318. 

2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/symptoms-causes/syc-20361940 (truy cập ngày 19/05/2020)

3. Fock KM, Talley N, Goh KL, et al. Asia-Pacific consensus on the management of gastro-oesophageal reflux disease: an update focusing on refractory reflux disease and Barrett's oesophagus. Gut. 2016;65(9):1402‐1415. doi:10.1136/gutjnl-2016-311715

Chia sẻ: