Co thắt đau co thắt

Chẩn Đoán Và Điều Trị Đau Thắt Lưng

10/12/2021

Đau thắt lưng là một tình trạng thường gặp, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Có khoảng 65-80% người đã từng bị đau lưng ít nhất một lần trong đời. Đau lưng là nguyên nhân gây hạn chế khả năng lao động thường gặp nhất ở người dưới 45 tuổi. 

Nguyên nhân đau thắt lưng

       Có nhiều nguyên nhân gây ra đau thắt lưng, từ các bệnh lý tại cột sống, cơ hoặc các dây chằng cạnh sống, đến đau qui chiếu do các cơ quan nội tạng gây ra. Trong hầu hết các trường hợp, đau lưng có nguyên nhân cơ học (khoảng 95%). Một số nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng do nguyên nhân cơ học có thể kể đến như:

  • Đau lưng không đặc hiệu: còn được gọi là đau lưng vô căn, đau lưng căng cơ. Thường không tìm được vị trí gây đau cụ thể, cũng như không phát hiện được bất thường trên hình ảnh học. Người bệnh có thể đau từ nhẹ đến nặng, một số trường hợp khởi phát sau khi nâng vác vật nặng, cử động xoay vặn người. Hầu hết bệnh nhân sẽ khỏi sau 1 đến 4 tuần, tuy nhiên có thể sẽ bị các cơn đau tái phát.
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng: đây là nguyên nhân gây đau lưng thường gặp nhất. Là hệ quả của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, do sụn khớp và đĩa đệm phải chịu áp lực lớn thường xuyên và trong một thời gian dài, dẫn đến tổn thương sụn khớp, hình thành gai xương, xẹp đĩa đệm và xơ hóa phần xương dưới sụn.
  • Thoát vị đĩa đệm: đĩa đệm là phần ngăn cách giữa các đôt sống. Khi đĩa đệm bị thoái hóa, nhân đệm thoát ra khỏi vòng xơ, gây chèn ép các rễ thần kinh. Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân thường gặp nhất của đau thần kinh tọa ở người trưởng thành, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người bình thường không triệu chứng.
  • Loãng xương: thường gặp ở nữ giới sau mãn kinh hoặc người cao tuổi. Bệnh nhân thường bị đau lưng cấp tính sau một biến chứng quan trọng của loãng xương là gãy xương

       Ngoài ra, đau thắt lưng còn có thể do các nguyên nhân viêm, nhiễm (viêm thân sống đĩa đệm, viêm cột sống dính khớp, ung thư…), cũng như các bệnh lý từ nội tạng (bệnh lý đường tiết niệu, phình động mạch chủ bụng…) gây ra.

Chẩn đoán đau thắt lưng

       Biểu hiện lâm sàng của đau thắt lưng tương đối đa dạng. Một số bệnh nhân có những đợt đau lưng cấp tính, sau đó tự hết mà không cần điều trị gì đặc hiệu, trong khi những người khác bị đau tái đi tái lại hoặc chuyển thành đau lưng mạn tính

       Đa số bệnh nhân đau thắt lưng là do nguyên nhân cơ học, với tính chất: tăng lên khi cử động, và giảm khi nghỉ ngơi. Một số trường hợp có chèn ép rễ thần kinh, bệnh nhân có thể đau lan xuống mông, đùi và chân một hoặc hai bên, kèm theo cảm giác rát bỏng, châm chích, được gọi là đau thần kinh tọa.

       Nếu bệnh nhân đau thắt lưng có thêm các triệu chứng: sốt, đau tăng nhiều về đêm và ngay cả khi nghỉ ngơi, sụt cân, bí tiểu, yếu liệt chân, hoặc người cao tuổi đau lưng cấp tính sau một chấn thương nhẹ, cần được thăm khám ngay bởi bác sĩ nhằm phát hiện các biến chứng của chèn ép rễ thần kinh, gãy đốt sống hay bệnh lý khác (nhiễm trùng, ác tính, viêm cột sống dính khớp)

       Tùy vào tính chất đau và sự thăm khám của bác sĩ, người bệnh có thể được chỉ định chụp  X-quang cột sống với các tư thế thẳng, nghiêng hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT-scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định chính xác nguyên nhân. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người bệnh có thể được tiến hành các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, xquang khung chậu,… nếu cần thiết.

Điều trị đau thắt lưng

Đau thắt lưng là một vấn đề phức tạp do nhiều nguyên nhân gây ra, nên trước hết phải tìm ra nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân. Ngoài những điều trị đặc hiệu nếu có, bệnh nhân có thể được điều trị triệu chứng bằng các thuốc giảm đau (paracetamol), thuốc kháng viêm không steroid (meloxicam, celecoxib…), thuốc giãn cơ (eperison). Ngoài ra, điều trị dùng thuốc phổi hợp với các phương pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cũng cho thấy hiệu quả.
Một trong những cách phòng ngừa đau lưng cấp, đau lưng tái phát và thoát vị đĩa đệm hiệu quả nhất là giữ cho cơ thể, đặc biệt là cột sống ở tư thế đúng trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là một số hướng dẫn cụ thể:

  • Đứng: khi đứng cần đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn lên hai chân, không ưỡn bụng và thắt lưng, cần giữ độ cong bình thường của cột sống

  • Ngồi: nên ngồi trên ghế có độ cao phù hợp để hai bàn chân đặt sát nền nhà, lưng thẳng, tựa đều vào thành ghế phía sau, trọng lực cơ thể dồn lên hai mông và hai chân.

  • Bê hoặc nâng đồ vật: nên đứng gần vật cần nâng, ngồi xổm xuống và tránh cong lưng. Khi nâng đồ vật lên, ôm sát vật nặng vào người, dùng sức của hai chân và tay, không dùng cơ thắt lưng để nâng. Giữ cho cột sống thẳng, không xoắn vặn, không ngửa ra phía sau. Khi đặt vật xuống, dùng cử động của tay, đầu gối, không dùng cử động của lưng, không được phép cúi người để đặt vật nặng xuống.


Tài Liệu Tham Khảo:
1. Rajiv Dixit (2017), “Low back pain”, Kelley & Firestein’s Textbook of Rheumatology, 10th, Elsevier, Philadelphia, p.696-716.
2. American Academy of Orthopaedic Surgeons (2021), “Preventing back pain at work and at home”. (https://orthoinfo.aaos.org/en/staying-healthy/preventing-back-pain-at-work-and-at-home/) 

Bác sỹ: Nguyễn Thái Hòa

Khoa nội khớp  - Đại học Y dược Cần Thơ

Chia sẻ: