Hiểu về Alzheimer

Sa sút trí tuệ trán - thái dương: Những điều có thể bạn chưa biết

20/03/2023

1. Sa sút trí tuệ trán thái dương là gì?

Sa sút trí tuệ trán - thái dương (FTD) là thuật ngữ chỉ những bệnh gây ảnh hưởng đến thùy trán và thùy thái dương của não. Đây là những vị trí kiểm soát cảm xúc, hành vi xã hội, sự tập trung, phán đoán, lập kế hoạch và tự kiểm soát bản thân. So với Alzheimer, bệnh thường xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn, thường khoảng từ 45 đến 65 tuổi.

FTD có thể làm cho thùy trán và thùy thái dương của não co (teo) dần.

Tùy vào thùy não nào bị ảnh hưởng mà người bệnh sa sút trí tuệ trán-thái dương có biểu hiện giảm khả năng trí tuệ, thay đổi tính cách, rối loạn cảm xúc hay rối loạn khả năng ngôn ngữ. Không như bệnh Alzheimer, bệnh sa sút trí tuệ trán - thái dương không ảnh hưởng đến trí nhớ.

Hình 1 Hình ảnh tổn thương khác nhau trong sa sút trí tuệ trán - thái dương và Alzheimer

Hình 1 Hình ảnh tổn thương khác nhau trong sa sút trí tuệ trán - thái dương và Alzheimer

2. Có những loại sa sút trí tuệ thể trán - thái dương nào?

Một số rối loạn có thể dẫn đến bệnh sa sút trí tuệ trán - thái dương, thường biểu hiện ở người trung niên và người lớn tuổi.

  • Thay đổi hành vi (bvFTD) là thể rối loạn phổ biến nhất của bệnh sa sút trí tuệ trán-thái dương. Nó gây thay đổi tính cách, hành vi, cảm xúc và sự phán đoán của người bệnh.
  • Mất ngôn ngữ nguyên phát tiến triển (PPA) liên quan đến sự thay đổi khả năng ngôn ngữ. Ví dụ như: khả năng nói, đọc, viết và khả năng hiểu lời nói của người khác.
  • Rối loạn khả năng vận động xảy ra khi phần thùy não kiểm soát vận động bị ảnh hưởng. Có 2 dạng rối loạn vận động hiếm gặp liên quan với bệnh sa sút trí tuệ trán - thái dương: Hội chứng hạch nền - vỏ não (corticobasal syndrome) và liệt trên nhân tiến triển (progressive supranuclear palsy). Những rối loạn vận động khác liên quan đến sa sút trí tuệ trán - thái dương có thể kể đến như: mắc FTD đồng thới với bệnh Parkinson hay bệnh xơ cứng teo cơ một bên (amyotrophic lateral sclerosis). Rối loạn vận động có thể biểu hiện khác nhau giữa các dạng này. 

3. Triệu chứng của sa sút trí tuệ thể trán - thái dương

Trong giai đoạn đầu, rất khó để phát hiện người bệnh sa sút trí tuệ trán - thái dương ở thể nào. Lý do là vì các triệu chứng biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Ngoài ra, những triệu chứng giống nhau có thể xuất hiện ở nhiều rối loạn khác và bệnh sa sút trí tuệ có thể thay đổi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác do các phần khác nhau của não bị ảnh hưởng.

Triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ trán - thái dương thường dễ bị hiểu lầm. Thành viên trong gia đình có thể nghĩ rằng người bệnh đang cư xử không đúng mực, dẫn đến tức giận và tranh cãi. Nên hiểu rằng bản thân người bệnh không thể kiểm soát hành vi, các rối loạn và không nhận thức về tình trạng bệnh của mình.

Các triệu chứng của sa sút trí tuệ trán - thái dương và các rối loạn liên quan bao gồm:

  • Giảm năng lượng, giảm động lực.
  • Thiếu quan tâm đến người xung quanh.
  • Có những hành vi không phù hợp và bốc đồng.
  • Hành động mà không quan tâm đến người khác.
  • Lặp đi lặp lại một hành động hoặc một lời nói.
  • Thay đổi sở thích ăn uống và ăn một cách gượng ép.
  • Tăng ham muốn tình dục.
  • Vệ sinh cá nhân kém.
  • Không thể hiện cảm xúc hoặc biểu cảm thái quá.
  • Khó khăn trong việc nói chuyện và hiểu lời nói người khác.
  • Mất khả năng cử động bình thường. Ví dụ: không thể sử dụng một cái nĩa.
  • Gặp vấn đề trong giữ thăng bằng và đi đứng.
  • Vụng về hơn.
  • Vận động chậm chạp, dễ ngã, co cứng cơ thể.
  • Cử động mắt bị hạn chế.
  • Run tay.
  • Yếu cơ, giật cơ và run cơ.

Hình 2: Hiểu nhầm là tình trạng dễ xảy ra khi mắc bệnh, người nhà cần tìm hiểu để hiểu rõ tình trạng bệnh

Hình 2: Hiểu nhầm là tình trạng dễ xảy ra khi mắc bệnh, người nhà cần tìm hiểu để hiểu rõ tình trạng bệnh

4. Ai có thể bị sa sút trí tuệ trán thái dương?

Không giống như các dạng sa sút trí tuệ khác, ảnh hưởng của sa sút trí tuệ trán - thái dương với nam và nữ là như nhau. Mặt khác, không có đủ bằng chứng cho thấy các yếu tố về thói quen sinh hoạt như hút thuốc lá, uống rượu bia hay không vận động thể chất có làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ trán - thái dương hay không.

Các nhà nghiên cứu cũng chưa chắc chắn rằng liệu các bệnh lý mạn tính khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, có thể làm tăng khả năng mắc bệnh hay không.

Vậy, liệu vấn đề về gen có thể gây ra bệnh sa sút trí tuệ trán - thái dương hay không? Sa sút trí tuệ trán - thái dương thường mang tính gia đình hơn các dạng sa sút trí tuệ khác. Hãy tìm hiểu thêm các vấn đề gen gây ra bệnh trong nội dung bên dưới.

Gen gia đình

Ở một số gia đình, khi có một gen đột biến chắc chắn sẽ gây bệnh sa sút trí tuệ trán - thái dương nếu gen này được di truyền từ bố mẹ sang con cái. Tình trạng này gọi là bệnh sa sút trí tuệ trán - thái dương mang tính gia đình.

Có khoảng 10 đến 15 trong 100 người mắc bệnh sa sút trí tuệ trán - thái dương liên quan đến dạng này. Con của người bệnh sa sút trí tuệ dạng này có 1 trong 2 khả năng nhận gen bệnh. Nó thường gây ra các biến thể hành vi của bệnh sa sút trí tuệ.

Gen nhạy cảm

Có một số loại gen có tính nhạy cảm, có thể làm tăng khả năng mắc sa sút trí tuệ trán - thái dương.

Tuy nhiên, không giống như gen di truyền gia đình, các loại “gen nhạy cảm” này không phải luôn luôn gây bệnh sa sút trí tuệ.

5. Điều trị sa sút trí tuệ thể trán thái dương

Hiện tại không có cách chữa trị hiệu quả, cũng như chưa có biện pháp làm chậm tiến triển bệnh sa sút trí tuệ trán - thái dương.
Sa sút trí tuệ trán - thái dương ảnh hưởng đến nhiều vùng khác nhau của não hơn bệnh Alzheimer. Vì vậy, các thuốc hiện hành điều trị sa sút trí tuệ (thuốc cơ bản điều trị bệnh Alzheimer) không thích hợp để điều trị rối loạn này.

Điều quan trọng là cần tìm hiểu nhiều hơn về bệnh này, để hiểu rõ và có xử lý phù hợp với những thay đổi hành vi mới xuất hiện của người bệnh. Điều này giúp hỗ trợ quản lý triệu chứng bệnh.

Nếu là người chăm sóc hoặc là thành viên trong gia đình, bạn cần tìm kiếm và học hỏi chiến lược đối phó với những thay đổi hành vi của người bệnh, thay vì cố gắng khiến người bệnh thay đổi. Các nhà trị liệu ngôn ngữ có thể hỗ trợ việc giảng dạy các chiến lược để giải quyết các vấn đề về giao tiếp.

Hình 3: Cần hiểu tìm hiểu cách xử lý sự thay đổi người bệnh thay vì cố gắng thay đổi người bệnh

Hình 3: Cần hiểu tìm hiểu cách xử lý sự thay đổi người bệnh thay vì cố gắng thay đổi người bệnh

Sa sút trí tuệ trán - thái dương là một vấn đề khá phức tạp. Việc chẩn đoán bệnh trong độ tuổi làm việc và chăm sóc gia đình là một cú sốc cho bệnh nhân cũng như người nhà. Do đó, việc hiểu đúng và rõ tình trạng bệnh là mấu chốt để phát hiện và điều trị sớm, tránh để lại hậu quả nặng nề về sau.

Tài liệu tham khảo

  1. Frontotemporal dementia [Internet]. Healthdirect.gov.au. Healthdirect Australia; 2018. Available from: https://www.healthdirect.gov.au/frontotemporal-dementia
  2. What Is Frontotemporal Dementia? | National Institute on Aging. www.nia.nih.gov. Available from: https://www.alzheimers.gov/alzheimers-dementias/frontotemporal-dementia
  3. National Institute on Aging. What Are Frontotemporal Disorders? National Institute on Aging. 2017. Available from: https://www.nia.nih.gov/health/what-are-frontotemporal-disorders
  4. Causes of frontotemporal dementia [Internet]. Alzheimer’s Society. 2019. Available from: https://www.alzheimers.org.uk/about-dementia/types-dementia/frontotemporal-dementia-causes#content-start
  5. Frontotemporal dementia. Alzheimer Society of Canada. Available from: https://alzheimer.ca/en/about-dementia/other-types-dementia/frontotemporal-dementia
Chia sẻ: