Co thắt đau co thắt

Vì Sao Người Già Bị Té Dễ Gãy Xương?

03/06/2021

Gãy xương ở người cao tuổi là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, đặc biệt là khi tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi và dân số người cao tuổi ngày càng tăng. Gãy xương ở người già là một tình trạng bệnh khá thường gặp và thường để lại hậu quả nặng nề hơn người trẻ. Té ngã là nguyên nhân hàng đầu gây gãy xương ở người già. Ở Mỹ, té ngã là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và nguyên nhân thứ 7 gây tử vong ở người ≥ 65 tuổi [1]. Tại Anh có khoảng 310.000 ca gãy xương xảy ra mỗi năm ở người cao tuổi và đa số là liên quan đến té ngã [2]. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 1,5 - 1,9 triệu người cao tuổi bị té ngã mỗi năm, một nghiên cứu cắt ngang trên 539 bệnh nhân ngoại trú từ 60 tuổi trở lên tại bệnh viện Lão khoa Trung Ương cho thấy tỷ lệ ngã là 23,7% với 65,6% bị chấn thương cơ thể. Vậy nguyên nhân vì sao người già khi té ngã lại dễ bị gãy xương, cách phòng tránh như thế nào? 

Cấu trúc của hệ xương  

Hệ xương của con người là một cấu trúc vững chắc giúp nâng đỡ cơ thể và  tạo nên bộ khung của cơ thể để bảo vệ các cơ quan ở bên trong, kết hợp với cơ giúp cho cơ thể đứng vững cũng như đảm bảo các hoạt động thường ngày như đi lại, chạy nhảy, làm việc…Để đảm bảo hệ xương được vững chắc thì cần đảm bảo sự toàn vẹn cả về khối lượng xương và chất lượng của xương.  

Chất căn bản của mô xương bao gồm các sợi collagen và các mô liên kết khác giàu chất glucoaminoglycin. Mô xương có xương đặc và xương xốp. Xương đặc được calci hoá 80-90% khối lượng xương. Xương xốp được calci hoá 15-25% khối lượng xương. Xương đặc có chức năng bảo vệ còn xương xốp có chức năng chuyển hoá. 

Có hai loại tế bào xương chính: huỷ cốt bào (là tế bào khổng lồ đa nhân, có nhiệm vụ tiêu xương) và tạo cốt bào (là tế bào có nhân hình thoi, có nhiệm vụ sản sinh ra các thành phần của nền xương: các sợi collagen và các chất nền), có vai trò quan trọng trong quá trình calci hoá. 

Nguyên nhân và quá trình loãng xương diễn ra như thế nào? 

Quá trình tạo xương và quá trình huỷ xương là hai quá trình luôn diễn ra song song với nhau trong suốt cuộc đời của mỗi con người. Trước tuổi dậy thì thì quá trình tạo xương hoạt động mạnh hơn, ngược lại sau tuổi 40 thì quá trình hủy xương bắt đầu có ưu thế do hủy cốt bào hoạt động mạnh hơn, quá trình loảng xương bắt đầu xảy ra. Đặc biệt khi lớn tuổi (>60 tuổi), phụ nữ mãn kinh thì quá trình hủy xương hoạt động mạnh, các chất collagen và hàm lượng canxi trong xương giảm (loảng xương hay còn gọi xốp xương) nên xương trở nên yếu hơn và dễ gãy. Mặt khác khi gãy xương ở những người loảng xương thì khả năng tự sửa chữa, khả năng hồi phục cũng kém hơn. 

nguồn: internet

Mất chất khoáng tăng dần theo tuổi là một hiện tượng sinh lý bình thường, khi bị tăng quá mức sẽ trở thành loãng xương. Các nghiên cứu tế bào học cho thấy mức độ thưa xương sinh lý khác nhau giữa hai giới nam và nữ. Ở nam giới, khối lượng bè xương giảm dần một cách đều đặn, gần 27% trong khoảng thời gian từ 20-80 tuổi. Nữ giới mất xương nhiều hơn (gần 40% trong cùng khoảng thời gian đó) với một sự gia tăng nhanh trong vòng 20 năm sau mãn kinh. Tuy nhiên, đó là một hiện tượng bình thường, và việc một người có khối lượng xương ở tuổi 60 thấp hơn ở tuổi 20 không có nghĩa là người đó bị loãng xương. Loãng xương xuất hiện khi sự thưa xương trở nên quá mức, khiến bộ xương không chịu nổi các sức ép cơ học, khi đó có thể xuất hiện gãy xương. 

Nguyên nhân của loãng xương liên quan đến sự gia tăng của tuổi tác là sự giảm hoạt động của tạo cốt bào dẫn đến giảm sự tạo xương. Ngoài ra, ở người có tuổi còn có sự giảm hấp thu calci ở ruột và sự giảm tái hấp thu calci ở ống thận. Tham gia vào quá trình hấp thu calci ở ruột có vai trò của 1-25 dihydroxycholecalciferol. Ở người già nồng độ 25 Hydroxycholecalciferol (tiền chất của 1-25 dihydrocholecalciferol) trong máu cũng giảm do chế độ dinh dưỡng, do giảm tiếp xúc vối ánh sáng mặt trời. Các yếu tố này dẫn đến sự tăng tiết hormon cận giáp trạng (cường cận giáp trạng thứ phát), gây thiểu năng xương. 

Một trong những nguyên nhân quan trọng gây loãng xương ở người già là hormon. Giảm tiết oestrogen sau: mãn kinh, các trường hợp cắt buồng trứng trước 45 tuổi, mãn kinh sớm (thời gian có kinh dưới 35 năm) đều liên quan trực tiếp đến loảng xương ở nữ giới. Nguyên nhân loãng xương ở nam giới do giảm testosteron máu ngoại vi, giảm prolactin máu. Sự mất xương ở nữ xuất hiện sớm hơn từ 15 - 20 năm so với nam giới là do hậu quả của sự suy giảm chức năng buồng trứng một cách nhanh chóng. 

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác gây loãng xương ở người cao tuổi như: cân nặng, dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, ít hoạt động thể lực, chế độ ăn ít calci (dưới 500mg/ngày), thiếu vitamin D, sử dụng thuốc (glucocorticoid, heparin…), di truyền… 

Vị trí gãy xương thường gặp ở người cao tuổi 

Gãy xương là biến chứng quan trọng và thường gặp nhất của loảng xương. Các vị trí gãy xương thường gặp ở người cao tuổi bao gồm:  

nguồn: internet

- Chi trên: gãy đầu dưới xương quay (do ngã chống bàn tay), cổ phẫu thuật cánh tay (do ngã đập vai hay chống khuỷu), đầu dưới xương quay lẫn đầu trên xương cánh tay (do ngã chống bàn tay, khuỷu duỗi thẳng). 

- Chi dưới: gãy cổ xương đùi (do ngã đập hông, đập mông), xương bánh chè (do ngã đập gối), ngón chân (do đi vấp ngã, va quệt bậc thang, chân bàn, chân ghế). Đặc biệt là gãy nền xương bàn 5 do lật nhẹ bàn chân hay cổ chân.  

- Cột sống và khung chậu: gãy các đốt sống thắt lưng hoặc xương chậu khi bị ngã ngồi đập mông xuống đất. Gãy các đốt sống thắt lưng khi bị ngã chấn trực tiếp cột sống vào vật cứng. 

Cách phòng tránh gãy xương do ngã ở người già 

Phòng ngừa gãy xương bao gồm: giảm nguy cơ té ngã, giảm chấn thương do ngã và phòng chống loảng xương, tối đa hóa sức mạnh của xương cho người cao tuổi. 

Phòng tránh té ngã ở người già cần phối hợp nhiều biện pháp với nhau: 

Thay đổi môi trường sống cho phù hợp với sức khỏe người già như nhà cửa thông thoáng, nền nhà và thảm chùi chân chống trơn, nhà vệ sinh nên gần phòng ngủ, trong nhà đủ ánh sáng, không thả súc vật như chó, mèo trong nhà, cẩn thận với sự nô đùa của trẻ em (dễ va chạm xô ngã người già). Ngoài ra, người già cần dùng giày dép phù hợp, nên có dụng cụ trợ giúp để đi lại (nhất là những người mắt kém, khớp thoái hóa, yếu cơ). 

Tăng cường tập luyện, dinh dưỡng hợp lý để tránh té ngã. Tập luyện làm tăng cường sức mạnh của cơ, cải thiện thăng bằng và dáng đi. Tập dưỡng sinh là một yếu tố tích cực. Tập thể dục, đi bộ, bơi lội... là những hình thức được lựa chọn. Tập thể thao cũng là một cách tốt để sản xuất và duy trì chất xương. Về ăn uống, nên bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều canxi giúp xương khỏe hơn như sữa, các loại cua, ốc, tôm, tép, vừng, cà rốt, rau xanh... hạn chế các chất kích thích đặc biệt là các đồ uống có cồn. 

Hạn chế các thuốc làm tăng nguy cơ té ngã như các thuốc hạ huyết áp, chậm nhịp tim, hạ đường huyết, các thuốc gây chóng mặt, các thuốc gây yếu cơ… 

Thường xuyên kiểm tra và kiểm soát tốt các bệnh lý tim mạch, thần kinh, cơ xương khớp, mắt…để hạn chế nguy cơ té ngã do bệnh. 

Phòng tránh té ngã cho người cao tuổi là vấn đề quan trọng, tuy nhiên không phải lúc nào cũng loại trừ được hoàn toàn. Do đó phòng chống loảng xương, tối đa hóa sức mạnh của xương cho người cao tuổi giúp làm giảm tối đa chấn thương do ngã.  

Phòng và điều trị loảng xương bằng:  

Các biện pháp không dùng thuốc: 

Bổ sung các thức ăn giàu canxi, đảm bảo theo nhu cầu của cơ thể từ 1000-1500mg/ngày từ các nguồn: thức ăn, sữa và dược phẩm. Tránh các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu, café…tránh thừa cân hoặc thiếu cân. 

Tăng cường vận động, tăng dẻo dai cơ bắp. 

Điều trị thuốc:  

Bổ sung calci 500-1500mg/ngày nếu thức ăn không đủ cung cấp. 

Vitamin D: 800-1200 UI/ngày hoặc chất chuyển hóa vitamin D là Calcitriol 0,25-0,5 mcg/ngày (đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc suy thận). 

Sử dụng các thuốc chống hủy xương nhóm Bisphosphonat như: Alendronat 70mg (hoặc Alendronat 70mg+ Cholecalciferol 2800UI) uống tuần/lần, uống lúc đói trước ăn sáng kèm với nhiều nước. Zoledronic acid 5mg truyền tĩnh mạch 1 năm/lần.  

Calcitonin: 100UI tiêm dưới da hằng ngày (2-4 tuần) trong trường hợp mới gãy xương, đau do loảng xương. 

Liệu pháp hormon: Raloxifen 60mg/ngày trong vòng 2 năm cho những phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao hoặc loảng xương sau mãn kinh. 

Thuốc có tác dụng kép Strontium ranelat 2g/ngày, thuốc vừa có tác dụng tăng tạo xương vừa có tác dụng ức chế hủy xương. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

National Institute for Health and Care Excellence: Falls in older people: assenssing risk and prevention (Clinical Guidelines);(161), 2013. 

European guidance for the diagnosis and management of osteoporosis in postmenopausal women. International Osteoporosis Foundation and National Osteoporosis Foundation 2012. 

Bệnh loảng xương: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp. Bộ y tế, Nhà xuất bản y học 2016, tr. 169-174. 

Jane Burch, Stephen Rice, Huiqin Yang, et al (2014). Systematic review of the use of bone turnover markers for monitoring the response to osteoporosis treatment: the secondary prevention of fractures, and primary prevention of fractures in high-risk groups. Health technology assessment, 18(11), 1-206. 

Virginia A. Moyer. Summary conclusion: Prevention of falls in the elderly: Counseling and preventive medicine. U.S. Preventive Services Task Force. Ann Intern Med, 2012. 

Guirguis-Blake JM, Michael YL, Perdue LA, et al (2018). Interventions to Prevent Falls in Older Adults: Updated Evidence Report and Systematic Review for the US Preventive Services Task Force. JAMA. Apr 24;319(16):1705-1716.  

Ambrose AF, Hausdorff PG (2013). Risk factors for falls among older adults: a review of the literature. Maturitas. 75:51–61.  

Moyer VA, on behalf of the U.S. Preventive Services Task Force. Prevention of Falls in Community-Dwelling Older Adults: U.S. Preventive Services Task Force Recommendation Statement. Ann Intern Med.2012;157:197-204. 

Nguyễn Thị Ngọc Lan (2010), “Loãng xương nguyên phát”. Bệnh học cơ xương khớp Nội Khoa, NXB Giáo dục Việt Nam, tr 274-285. 

Riitta K Tähtelä (2004). Utility of Type I Collagen-Derived Markers as Reflectors of Bone Turnover in Different Clinical Situations. University of Helsinki, Finland.  

Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Đình Nguyên (2007), Loãng xương: nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa. Hội loãng xương TP. Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Y Học. 


 
ThS.BS Phạm Gia Trung 

Trưởng khoa Nội – Trưởng đơn vị CXK 

Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An 

Chia sẻ: