Yêu bao tử

CÁC TRIỆU CHỨNG BÁO ĐỘNG BỆNH ĐƯỜNG TIÊU HÓA

14/07/2021

Triệu chứng báo động bệnh đường tiêu hóa là những triệu chứng gợi ý người bệnh có thể mắc bệnh nặng và cần được đánh giá cẩn thận

Triệu chứng báo động thường gây ra bởi những nguyên nhân gây tổn thương thực thể của đường tiêu hóa

Những triệu chứng bệnh đường tiêu hóa đáng báo động

  • Xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa là một tình trạng bệnh đường tiêu hóa có thể diễn tiến nguy hiểm và do đó thường cần chẩn đoán và xử trí tích cực. Xuất huyết có thể xảy ra trên bất cứ vị trí nào của đường tiêu hóa và những nguyên nhân thường gặp là:

- Khối u lành tính hoặc ác tính đường tiêu hóa

- Loét dạ dày tá tràng (thường do vi trùng H.pylori và thuốc giảm đau không steroid (NSAIDS) 

- Vỡ giãn tĩnh mạch thực quản trên người bệnh xơ gan

- Viêm loét thực quản

- Rách ở đoạn dưới thực quản. 

- Rách ở vùng hậu môn, trĩ, viêm trực tràng, khối u trực tràng. 

- Nhiễm trùng tiêu hóa

- Bệnh viêm loét đại tràng

- Chảy máu từ túi thừa

  • Nôn ói kéo dài, tái phát

Nôn ói có thể do rất nhiều nguyên nhân, từ những rối loạn chức năng đến tổn thương thực thể. Tuy nhiên, nếu người bệnh đường tiêu hóa có nôn ói kéo dài hoặc tái phát cần được kiểm tra nguyên nhân. Những nguyên nhân thực thể từ đường tiêu hóa thường gây nôn ói như:

- Loét dạ dày, tá tràng

- Ung thư dạ dày, thực quản

- Hẹp môn vị

- Tắc ruột

- Bệnh viêm loét đại tràng

  • Nuốt đau kéo dài

Người bệnh có cảm giác đau khi nuốt. Vị trí đau có thể ở miệng, họng hoặc thực quản. Nuốt đau thường gặp trong bệnh viêm họng và thường tự khỏi sau khi họng hết viêm. Tuy nhiên, nếu người bệnh đường tiêu hóa có nuốt đau kéo dài thì một số nguyên nhân quan trọng có thể gây nuốt đau kéo dài và cần được chẩn đoán sớm là: 

- Ung thư thực quản

- Nấm họng và thực quản

- Viêm loét miệng, họng, thực quản

- Biến chứng của loét miệng, họng, thực quản do điều trị (như xạ trị điều trị ung thư),…

  • Sụt cân

Sụt cân có ý nghĩa khi người bệnh sụt cân không chủ ý hơn 10% cân nặng trong vòng 6 tháng. Có rất nhiều nguyên nhân gây sụt cân như ung thư, bệnh đái tháo đường, lao, cường giáp,…. Một số bệnh đường tiêu hóa có thể gây sụt cân như:

- Ung thư đường tiêu hóa giai đoạn tiến triển (ung thư dạ dày, thực quản, đại trực tràng)

- Lao ruột

- Bệnh viêm loét đại tràng

- Loét dạ dày tá tràng

- Hẹp thực quản, hẹp môn vị,…

  • Nuốt nghẹn

Nuốt nghẹn (còn gọi là nuốt khó) xảy ra do có vấn đề cản trở việc di chuyển của thức ăn và nước uống từ miệng qua họng xuống thực quản (đoạn nối từ họng xuống dạ dày). 

Nuốt nghẹn nặng có thể gây suy dinh dưỡng và gây sặc thức ăn. Mặc dù hầu hết trường hợp nuốt nghẹn do nguyên nhân lành tính, nhưng trong một số trường hợp, nuốt nghẹn có thể là do ung thư. Do đó, việc chẩn đoán nuốt nghẹn và tìm nguyên nhân rất quan trọng. Một số bệnh đường tiêu hóa có thể gây nuốt nghẹn như:

- Khối u thực quản

- Hẹp thực quản do viêm thực quản do thuốc

- Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan

- Viêm thực quản do tia xạ (sau xạ trị ung thư),…

  • Đau bụng kéo dài

Tình trạng đau bụng kéo dài, tiến triển ngày càng nặng dần, có thể kèm theo một số triệu chứng bệnh đường tiêu hóa báo động khác, thì thường do một bệnh nặng gây ra. Một số nguyên nhân đau bụng kéo dài có thể gặp là: 

- Ung thư đường tiêu hóa (ung thư dạ dày, đại trực tràng, tụy,..)

- Viêm loét dạ dày tá tràng

- Viêm loét đại tràng

- Cơn đau tái phát do sỏi mật 

- …

  • Thiếu máu thiếu sắt

Sắt là một nguyên liệu để cơ thể sử dụng để sản xuất hồng cầu. Do đó, khi không cung cấp đủ sắt cho cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt. Thiếu sắt có thể gây ra do không cung cấp đủ sắt cho cơ thể, rối loạn khả năng hấp thu sắt ở đường tiêu hóa, hoặc các nguyên nhân gây mất máu. Người bệnh khi bị thiếu máu nhiều sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi, xanh xao, chóng mặt, tim đập nhanh, ăn uống kém. Một số nguyên nhân tiêu hóa gây thiếu máu thiếu sắt thường gặp là:

- Viêm loét dạ dày tá tràng

- Ung thư đường tiêu hóa (ung thư dạ dày, thực quản, đại trực tràng)

- Polyp đại trực tràng có chảy máu

- Sau phẫu thuật cắt một phần ruột non

- Bệnh viêm loét đại tràng

- Nhiễm kí sinh trùng ruột (giun móc, giun tóc)

- Hội chứng kém hấp thu

- Dùng thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs)

  • Nổi hạch 

Trên cơ thể người, hạch phân bố ở nhiều nơi như trên xương đòn, cổ, nách và bẹn. Hiện tượng nổi hạch có thể cảnh báo nhiều bệnh lý viêm nhiễm hoặc ung thư ở các cơ quan

  • Khối u ở bụng 

Khối u ở bụng có thể gây ra bởi một số nguyên nhân như ung thư (dạ dày, ruột, gan, thận), khối u lành, nang, sau chấn thương và một số bệnh lý khác. 

  • Có triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (ợ nóng, ợ chua) và gia đình có người bị ung thư dạ dày thực quản
  • Có triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản không điển hình, mới xuất hiện gần đây ở người trên 45-50 tuổi

Do tần suất xuất hiện của ung thư tăng nhiều hơn ở người trên 45 tuổi nên nếu người bệnh có triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản không điển hình (nghẹn, khàn tiếng, triệu chứng của hen suyễn,…) và mới xuất hiện từ độ tuổi này, đó là một dấu hiệu chỉ điểm cần tìm bệnh lý ung thư. Tuy nhiên, có một số người có thể xuất hiện ung thư ở độ tuổi sớm hơn.

  • Thay đổi đột ngột thói quen đi tiêu (tiêu chảy, táo bón) hoặc các triệu chứng đường tiêu hóa khác ở người trên 50 tuổi. 

Đôi khi, những triệu chứng này có thể gây ra do ung thư đại tràng, dạ dày, thực quản và cần phải thực hiện nội soi để loại trừ các nguyên nhân này. 

  • Triệu chứng đau bụng thường xảy ra về đêm

Bình thường, ruột sẽ giảm hoạt động khi chúng ta đi ngủ. Do đó, nếu có triệu chứng đau về đêm, đó có thể là do một bệnh lý tổn thương thực thể tại ruột và cần được kiểm tra kĩ lưỡng.

  • Có triệu chứng bệnh đường tiêu hóa ở những người có tiền căn gia đình bị ung thư đại tràng, viêm loét đại tràng.

Những bệnh này thường xảy ra ở những người có người thân trực hệ (cha, mẹ, anh chị em ruột) cũng bị bệnh. Người bệnh có tiền căn gia đình bị ung thư đại trực tràng nên được nội soi đại tràng để phát hiện ung thư. 

Tổng kết

Những triệu chứng báo động kể trên gợi ý người bệnh có thể có bệnh lý tổn thương thực thể nặng ở đường tiêu hóa (ung thư, viêm loét,..) và do đó cần được kiểm tra kĩ lưỡng để phát hiện những nguyên nhân này và có kế hoạch điều trị kịp thời.  

Tài liệu tham khảo

Quigley, E. M., Fried, M., Gwee, K. A., Khalif, I., Hungin, A. P. S., Lindberg, G., ... & Olano, C. (2016). World Gastroenterology Organisation global guidelines irritable bowel syndrome: A global perspective update September 2015. Journal of clinical gastroenterology, 50(9), 704-713.

Hunt, R., Armstrong, D., & Katelaris, P. (2015). Global perspective on gastroesophageal reflux disease. World Gastroenterology Organisation. Wisconsin. USA, 37.

Chia sẻ: