Hiểu về Alzheimer

Đừng bỏ quên chính bạn - Người chăm sóc cũng cần được chăm sóc

25/05/2023

Việc chăm sóc bản thân - về thể chất và tinh thần - là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm với tư cách là người chăm sóc. Điều này có nghĩa là bạn có thể nhờ các thành viên trong gia đình và bạn bè giúp đỡ, làm những việc bạn thích, thoải mái hoặc nhận trợ giúp từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà. Những việc này có thể giúp bạn cảm thấy giảm nhẹ gánh nặng. Và cũng có thể giúp bạn tránh khỏi bệnh tật hoặc trầm cảm.

1. Kiểm soát căng thẳng

Những người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer thường xuyên bị căng thẳng ở mức độ cao. Việc chăm sóc người thân mắc bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ đôi khi quá sức đối với họ, và khi những áp lực tích tụ quá nhiều sẽ nguy hại cho chính bạn và người được chăm sóc. Dưới đây là một số mẹo giảm căng thẳng có thể giúp cải thiện khả năng tập trung, khả năng ra quyết định và chất lượng cuộc sống của bạn. ●    Xác định nguyên nhân gây căng thẳng. Hãy cố gắng thoát ra khỏi các vấn đề đó bất cứ khi nào có thể.

  • Giải quyết các nguyên nhân khiến bạn căng thẳng và chấp nhận sự giúp đỡ trong những tình huống này. Hãy thay đổi cách nhìn nhận tình huống. Ngay cả tình huống khó khăn nhất cũng có thể có cả mặt tích cực và tiêu cực. Cố gắng tìm kiếm điều tích cực bất cứ khi nào có thể.
  • Hãy thiết lập giới hạn chịu đựng cho bản thân và cho người khác biết giới hạn của bạn. Bạn sẵn sàng chịu đựng điều gì và bạn không chấp nhận điều gì? Hãy cởi mở nhất có thể với mọi người.
  • Tìm hiểu những việc làm bạn cảm thấy thư giãn nhất. Tiếp cận những điều này thường xuyên khi bạn cảm thấy căng thẳng hoặc choáng ngợp.
  • Nói chuyện với người thân hoặc bạn bè, người mà bạn tin cậy nhất, về cảm giác hiện tại của bạn.
  • Thay đổi môi trường. Ví dụ, nếu đang ở trong một môi trường có quá nhiều thứ khiến bạn căng thẳng, hãy tìm một nơi yên tĩnh để bạn có thể thư giãn và lấy lại tinh thần.
  • Nghỉ ngơi khi cần thiết. Việc này cũng là cách giúp bảo tồn năng lượng của bản thân.
  • Hãy tạm thời bỏ qua điều mà bạn cảm thấy quá khó khăn và có thể quay lại giải quyết nó sau.
  • Sử dụng biện pháp giúp thư giãn, chẳng hạn: tập Yoga hoặc thiền, tập thể dục/đi bộ, viết những suy nghĩ và cảm xúc của bạn trong một quyển nhật ký, làm vườn, nghe nhạc hoặc xem một chương trình truyền hình yêu thích mà bạn thấy thư giãn hoặc thú vị.

Hình 1: Sống thật với cảm xúc bản thân, cố gắng tìm người chia sẻ khi gặp căng thẳng

Hình 1: Sống thật với cảm xúc bản thân, cố gắng tìm người chia sẻ khi gặp căng thẳng

2. Vượt qua những cảm xúc tiêu cực

Chăm sóc một người mắc bệnh Alzheimer mất rất nhiều thời gian và công sức. Việc chăm sóc có thể trở nên khó khăn hơn khi người bệnh tức giận, làm tổn thương cảm xúc của bạn hoặc quên mất bạn là ai. Đôi khi, bạn có thể cảm thấy chán nản, buồn bã, cô đơn, thất vọng, bối rối hoặc tức giận. Những cảm giác này là bình thường. Dưới đây là một số điều bạn có thể “tâm sự” với chính mình để cảm thấy tốt hơn: ●    Tôi đang làm tốt nhất có thể. ●    Ai cũng sẽ cảm thấy khó khăn nếu trong hoàn cảnh như tôi.

  • Tôi không hoàn hảo, và điều đó không sao cả.
  • Tôi không thể kiểm soát một số điều xảy ra.
  • Đôi khi, tôi chỉ cần làm những gì hiệu quả ngay bây giờ.
  • Tôi sẽ tận hưởng những giây phút khi chúng tôi có thể ở bên nhau trong yên bình.
  • Ngay cả khi đã làm mọi cách mà tôi suy nghĩ, người bệnh Alzheimer vẫn sẽ có những vấn đề về hành vi. Và điều này là vì căn bệnh chứ không phải vì những gì tôi làm.
  • Tôi sẽ cố gắng nhờ người cố vấn giúp đỡ nếu việc chăm sóc trở nên quá sức đối với tôi.

Một số người chăm sóc nhận thấy rằng việc đến nhà thờ, đền chùa hoặc giáo đường giúp họ vơi bớt những gánh nặng hàng ngày. Đối với những người khác, đơn giản chỉ cần cảm nhận rằng có một sức mạnh to lớn nào đó trên thế giới sẽ giúp họ tìm thấy cảm giác cân bằng và bình yên.

3. Duy trì lối sống lành mạnh

Gặp bác sĩ

Hãy đảm bảo bạn đến gặp bác sĩ thường xuyên (ít nhất là hàng năm) và lắng nghe cơ thể của bạn. Bất kỳ tình trạng kiệt sức, căng thẳng, mất ngủ, thay đổi khẩu vị hoặc hành vi nào cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc. Bỏ qua những triệu chứng này có thể khiến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn suy giảm.

Nếu đang chăm sóc bệnh nhân Alzheimer giai đoạn muộn, bạn hãy trao đổi với cơ sở y tế về việc tiêm phòng cúm theo mùa. Việc được chủng ngừa giúp bảo vệ bản thân và người mà bạn chăm sóc.

Vận động

Như bạn đã biết, tập thể dục là một phần quan trọng để duy trì sức khỏe. Nó có thể giúp giảm căng thẳng, ngăn ngừa bệnh tật và khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Nhưng sắp xếp thời gian cho việc luyện tập lại là một câu chuyện khác. Sử dụng một số cách sau:

  • Nhờ bạn bè và các thành viên trong gia đình giúp đỡ: Bạn có thể tập luyện hiệu quả trong một khoảng thời gian ngắn — thậm chí là 30 phút nghỉ giải lao. Giúp xây dựng và điều phối một thời gian biểu mà bạn có thời gian nghỉ ngơi để tập thể dục và chăm sóc sức khỏe của mình.
  • Bắt đầu từ bài tập nhỏ: Bạn nên dành 30 phút hoạt động thể chất ít nhất năm ngày một tuần, nhưng nếu chỉ 10 phút mỗi ngày cũng có thể hữu ích. Hãy tập luyện phù hợp với điều kiện của bản thân và hướng tới một mục tiêu cụ thể.
  • Tập thể dục tại nhà. Chẳng hạn: Khi người bệnh sa sút trí tuệ ngủ trưa, bạn có thể tập luyện trên thảm Yoga, sử dụng xe đạp cố định tại chỗ hoặc tập theo video hướng dẫn
  • Tìm và thực hiện những hoạt động mà bạn yêu thích. Nếu yêu thích hoạt động nào, bạn sẽ dễ dàng biến nó thành thói quen hơn.

Ngoài ra, có nhiều hoạt động bạn có thể cùng thực hiện với người bệnh sa sút trí tuệ. Dưới đây là một vài gợi ý:

  • Cùng nhau đi dạo ngoài trời và tận hưởng không khí trong lành.
  • Đi dạo tại trung tâm thương mại.
  • Tập các bài tập tư thế ngồi tại nhà.
  • Cùng nhảy theo điệu nhạc yêu thích.
  • Làm vườn hoặc các hoạt động thường ngày mà cả bạn và người bệnh đều thích.

Chế độ ăn uống khỏe mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải, sẽ tốt cho sức khỏe tổng thể và có thể giúp bảo vệ não bộ. Chế độ ăn Địa Trung Hải tương đối ít thịt đỏ và tập trung vào ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, cá, các loại hạt, dầu ô liu và các chất béo lành mạnh khác. Bạn hãy thử các công thức nấu ăn mới và thu hút sự tham gia của bệnh nhân sa sút trí tuệ.

Hình 2: Duy trì thói quen tập luyện và chế độ ăn uống hợp lý cũng là cách để chăm sóc cơ thể

Hình 2: Duy trì thói quen tập luyện và chế độ ăn uống hợp lý cũng là cách để chăm sóc cơ thể

4. Dành thời gian để nghỉ ngơi

Việc chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ có thể khó khăn cho dù bạn cảm nhận được ý nghĩa của việc làm này. Để luôn là một người chăm sóc tốt, bạn cần chăm sóc bản thân. Một cách bạn có thể làm là đảm bảo rằng bạn có những khoảng thời gian nghỉ ngơi nhất định trong quá trình chăm sóc người bệnh. Đây có thể là một phần quan trọng để bạn duy trì sức khỏe của bản thân.

Dịch vụ chăm sóc thay thế cho phép người chăm sóc có thời gian nghỉ ngơi. Có nhiều dạng chăm sóc dịch vụ khác nhau tại nhà, chăm sóc trong ngày hoặc thậm chí điều dưỡng chăm sóc tại nhà ngắn hạn để người chăm sóc có thể nghỉ ngơi hoặc thậm chí đi nghỉ dưỡng. Nghiên cứu cho thấy rằng chỉ vài giờ nghỉ ngơi mỗi tuần cũng có thể cải thiện sức khỏe của người chăm sóc.

5. Thích nghi với sự thay đổi

Những việc bạn từng làm một cách dễ dàng có thể ngày càng khó khăn, chẳng hạn như duy trì lịch trình hoặc quản lý tài chính. Một số người có thể cố gắng che giấu những khó khăn vì cảm thấy xấu hổ. Hoặc, họ có thể do dự chần chừ khi yêu cầu giúp đỡ từ người khác, nhưng điều này chỉ làm tăng sự căng thẳng.

Chấp nhận và thích nghi với những thay đổi mới có thể giúp bạn lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Ngoài ra, điều này cũng mang lại cho bạn cảm giác đã hoàn thành mọi việc trong khả năng của mình khi sống chung với căn bệnh sa sút trí tuệ. Xây dựng chiến lược thích nghi hiệu quả có thể giúp:

  • Duy trì được các hoạt động.
  • Ứng phó với những thử thách, từ đó giúp tăng cường sức khỏe và khả năng độc lập.
  • Có cảm giác kiểm soát được cuộc sống của chính mình.

Lưu ý rằng những gì hiệu quả với người này có thể không hiệu quả với người khác. Và, các chiến lược phù hợp với bạn ngày hôm nay, có thể không hiệu quả vào ngày hôm sau. Do đó, hãy thử các chiến lược khác nhau để tìm ra những cái phù hợp nhất. Càng linh hoạt thì càng dễ điều chỉnh các chiến lược của bản thân tốt hơn và phù hợp với từng tình huống.

6. Nhờ sự giúp đỡ từ gia đình bạn bè

Ai cũng có lúc cần được giúp đỡ. Tuy nhiên, nhiều người chăm sóc thấy việc nhờ vả giúp đỡ khá khó khăn. Họ có thể cảm thấy việc chăm sóc người thân mắc bệnh là việc họ phải tự làm, hoặc giao người bệnh cho người khác là không ổn. Hoặc, có thể họ không đủ khả năng chi trả để người khác thay họ chăm sóc bệnh nhân.

Dưới đây là một số lời khuyên về việc yêu cầu giúp đỡ:

  • Hãy nhớ rằng bạn không nhất thiết phải tự làm mọi thứ, bạn có thể nhờ gia đình, bạn bè và những người khác giúp đỡ.
  • Yêu cầu mọi người giúp đỡ với những hoạt động cụ thể. Chẳng hạn như: chuẩn bị bữa ăn, thăm người bệnh hoặc đưa người bệnh đi chơi trong thời gian ngắn.
  • Gọi trợ giúp từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà hoặc dịch vụ chăm sóc trong ngày cho người lớn khi cần.
  • Sử dụng các nguồn lực quốc gia, hỗ trợ từ chính phủ để tìm cách chi trả cho một số dịch vụ trợ giúp hoặc nhận các dịch vụ trợ giúp thay thế.

Bạn có thể tham gia hội nhóm hỗ trợ những người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer. Đây là nơi chia sẻ kinh nghiệm và lời khuyên cũng như hỗ trợ lẫn nhau.a

Hình 3 Đừng cố làm mọi việc một mình, hãy gọi sự giúp đỡ khi cần

Hình 3 Đừng cố làm mọi việc một mình, hãy gọi sự giúp đỡ khi cần

7. Tư vấn tâm lý với chuyên gia

Các chuyên gia tâm lý và tình nguyện viên có thể giúp bạn đối phó với căng thẳng. Họ giúp bạn hiểu được cảm xúc của bản thân, chẳng hạn như tức giận, buồn bã hoặc cảm thấy mất kiểm soát. Họ cũng có thể giúp bạn lập kế hoạch, và dự phòng những tình huống bất ngờ xảy ra.

Các chuyên gia tâm lý có thể tính phí theo giờ, và vài loại bảo hiểm y tế tư nhân có thể chi trả cho các chi phí này. Hãy hỏi cơ quan bảo hiểm về những dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm lý sẽ được bảo hiểm chi trả. Sau đó, hãy trao đổi với bác sĩ, và các cơ quan về sức khỏe tâm lý cộng đồng để tham khảo và sắp xếp lịch hẹn với những chuyên gia tâm lý phù hợp.

Hình 4: Chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn gỡ rối những bất thường trong cảm xúc bản thân

Hình 4: Chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn gỡ rối những bất thường trong cảm xúc bản thân

Việc chăm sóc sức khỏe thế chất và tinh thần là một nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân. Một cơ thể khỏe mạnh được xây dựng và chăm chút từng ngày. Người chăm sóc người bệnh, người bệnh hay bất kỳ ai cũng cần được quan tâm về sức khỏe tinh thần - thể chất. Vì vậy, hãy tập chăm sóc tốt cho bản thân, có như vậy mới đủ năng lượng chăm sóc tốt cho người khác.

Nguồn tham khảo

  1. Alzheimer’s Disease and Dementia. Reducing Stress. Available at: https://www.alz.org/help-support/i-have-alz/live-well/reducing-stress.
  2. National Institute on Aging. (n.d.). Alzheimer’s Caregiving: Caring for Yourself. Available at: https://www.nia.nih.gov/health/alzheimers-caregiving-caring-yourself.
  3. www.cdc.gov. (2019). Caring for Yourself When Caring for Another. Available at: https://www.cdc.gov/aging/publications/features/caring-for-yourself.html.
  4. Alzheimer’s Disease and Dementia. (2020). Tips for Daily Life. Available at: https://www.alz.org/help-support/i-have-alz/live-well/tips-for-daily-life.
  5. Queluz FN, Kervin E, Wozney L, Fancey P, McGrath PJ, Keefe J. Understanding the needs of caregivers of persons with dementia: a scoping review. International psychogeriatrics. 2020 Jan;32(1):35-52.
  6. Feast A, Orrell M, Charlesworth G, Melunsky N, Poland F, Moniz-Cook E. Behavioural and psychological symptoms in dementia and the challenges for family carers: systematic review. The British Journal of Psychiatry. 2016 May;208(5):429-34.
Chia sẻ: