Yêu bao tử

TRỤC NÃO-RUỘT-HỆ VI SINH ĐƯỜNG RUỘT VÀ CÁC ỨNG DỤNG TRONG ĐIỀU TRỊ

04/10/2021

Trần Thị Thu Trang1,2, Đào Việt Hằng1,3,4 

1Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật 

2 Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội 

3Bộ môn Nội tổng hợp, Trường Đại học Y Hà Nội 

4Trung tâm Nội soi, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội 

Trục não ruột là gì? 

Hệ thần kinh ruột (Enteric nervous system (ENS)) bao gồm hệ thống các tế bào thần kinh, chất dẫn truyền thần kinh dọc theo đường tiêu hoá, từ thực quản, dạ dày tới ruột và hậu môn. Đây được coi là "bộ não thứ hai", là hàng rào miễn dịch đặc biệt của cơ thể. Trục não-ruột là thuật ngữ chỉ con đường tín hiệu hai chiều ảnh hưởng qua lại giữa não và ruột [1]. Sự kết nối này thông qua các con đường chính gồm: hệ thống thần kinh trung ương (CNS), hệ thần kinh nội tiết, hệ thần kinh miễn dịch, hệ thần kinh thực vật, hệ thần kinh ruột và hệ vi sinh vật đường ruột [2]. 

Vai trò của hệ vi sinh đường ruột với trục não ruột 

Hệ vi sinh đường ruột bao gồm tất cả vi sinh vật trong đường tiêu hoá của con người và đã được chứng minh có liên quan mật thiết với trục não-ruột. Sự tương tác giữa hệ vi sinh đường ruột với niêm mạc ruột và não bộ thông qua các con đường sau: tương tác trực tiếp với tế bào niêm mạc ruột qua tín hiệu nội tiết (cortisol), tín hiệu miễn dịch (cytokine) và hệ thần kinh (thần kinh phế vị và thần kinh ruột). Các vi khuẩn đường ruột và các tác nhân sinh học có thể làm thay đổi nồng độ các chất cytokine, hormon sản xuất tại mô ruột và lưu thông trong máu, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ.  

Ngược lại, não bộ cũng thông qua các cơ chế này để tác động lên sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột. Trong điều kiện tâm lí căng thẳng, trục dưới đồi- tuyến yên-thượng thận tăng bài tiết cortisol, từ đó tác động đến sự bài tiết các cytokine cục bộ ở ruột gây ra các rối loạn chức năng tiêu hoá (như đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, chán ăn, nôn, buồn nôn, hội chứng ruột kích thích) và thay đổi thành phần vi khuẩn đường ruột [1-3].  

 

Rối loạn tâm thần kinh trong bệnh lý tiêu hoá 

Các biểu hiện rối loạn lo âu, trầm cảm xảy ra ở 30% - 50% bệnh nhân có triệu chứng đường tiêu hóa dai dẳng [4-6]. Tình trạng căng thẳng trong cuộc sống và các tổn thương tâm lý cũng đã được chứng minh có mối liên quan đến sự khởi phát đợt cấp, và có thể làm nặng thêm tình trạng của một số bệnh lý tiêu hoá mạn tính đặc biệt các rối loạn tiêu hoá chức năng như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, khó tiêu chức năng, hội chứng ruột kích thích [7]. 

Có một số giả thuyết liên quan đến cơ chế bệnh sinh về tình trạng rối loạn trên đang được nghiên cứu, trong đó tập trung chủ yếu vào vai trò của hệ trục não-ruột-vi sinh vật đường ruột [1, 3, 8]. Tác động của hệ vi sinh đường ruột lên trục não-ruột đã được nghiên cứu đối với sức khoẻ nói chung và một số bệnh lý tiêu hóa đặc biệt nhóm bệnh lý rối loạn chức năng như hội chứng ruột kích thích (IBS), chứng khó tiêu chức năng trong đó ghi nhận sự mất cân bằng giữa các vi khuẩn có lợi và có hại tại đường ruột, sự giảm tính đa hình thái của hệ vi khuẩn đường ruột...[9, 10]. 

 

Các giải pháp cải thiện sức khoẻ hệ tiêu hoá và sức khoẻ tâm thần ứng dụng vai trò trục não-ruột-hệ vi sinh đường ruột

Dựa trên những hiểu biết về trục não-ruột-hệ sinh vật đường ruột đã giúp mở ra các hướng tiếp cận điều trị mới như sử dụng thuốc chống trầm cảm, các liệu pháp trị liệu tâm lý hoặc tác động đích vào hệ vi sinh đường ruột. 

Các liệu pháp trị liệu tâm lý  

Trên thế giới, các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa đã tích hợp các liệu pháp trị liệu tâm lý vào thực hành lâm sàng để có thể giúp bệnh nhân hiểu và quản lý tốt hơn các triệu chứng tâm thần mắc kèm [7, 11]: 

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioral therapy (CBT) 

Phương pháp trị liệu nhằm nâng cao nhận thức về: mối liên quan giữa các yếu tố gây căng thẳng, suy nghĩ và triệu chứng lâm sàng; xác định và điều chỉnh lại những suy nghĩ tiêu cực, các yếu tố làm trầm trọng thêm các triệu chứng; xác định và áp dụng các hướng dẫn thay đổi hành vi để xử lý các tình huống khó khăn trong cuộc sống từ đó hỗ trợ cải thiện các triệu chứng tiêu hóa. Phương pháp này đã được áp dụng với các bệnh nhân có triệu chứng đau bụng chức năng, hội chứng ruột kích thích (IBS) và cần có sự tham gia của cán bộ y tế có chuyên môn. 

  • Liệu pháp thư giãn cơ (Progressive muscle relaxation (PMR)) 

Liệu pháp này có thể tự thực hiện dễ dàng tại nhà, bao gồm các bài tập giúp giãn cơ và kiểm soát căng thẳng. Phương pháp thực hiện bằng cách căng hết cỡ, sau đó thư giãn hoàn toàn lần lượt hệ thống từng nhóm cơ, từ đó có thể giúp giảm lo lắng và căng thẳng.  

Thiền định theo hướng dẫn (Guided meditation) 

Người bệnh sẽ được đưa vào trạng thái thiền khi làm theo sự hướng dẫn của huấn luyện viên bằng nhiều hình thức khác nhau, từ giọng nói đến video, kết hợp âm nhạc để tạo cảm giác yên bình và thư thái. Thiền là một phương pháp có thể giúp cân bằng hệ thần kinh, từ đó cải thiện tâm trạng, giảm lo lắng và giảm các triệu chứng tiêu hóa. 

  • Các liệu pháp tác động trực tiếp đến đường tiêu hóa (Gut-directed relaxation training) 

Biện pháp này về bản chất là thôi miên dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế và chứng minh được hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị đau bụng chức năng và hội chứng ruột kích thích (IBS).  

  • Phản hồi sinh học (Biofeedback) 

Phương pháp điều trị này sẽ hướng dẫn bệnh nhân học cách kiểm soát các phản ứng của cơ thể. Biofeedback đã cho thấy có hiệu quả đối với một số bệnh lý như táo bón chức năng, khó tiêu chức năng, són phân. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng biofeedback kết hợp với các liệu pháp quản lý tình trạng bệnh và stress mang đến những tác động tích cực đến sức khỏe của bệnh nhân. 

Các biện pháp tâm lý kể trên không phải áp dụng cho tất cả các đối tượng do các bệnh nhân có triệu chứng ở mức độ nhẹ hoàn toàn có thể cải thiện bằng các chăm sóc y tế thông thường, và cũng cần cân nhắc đến chi phí, lợi ích và nguồn lực. Bởi vậy, các đối tượng sau có thể cân nhắc áp dụng các biện pháp tâm lý [11, 12]: 

  • Bị tái phát triệu chứng mức độ bình – nặng sau 3-6 tháng điều trị bằng thuốc. 
  • Có triệu chứng tiêu hoá trầm trọng hơn do các biểu hiện căng thẳng hoặc rối loạn cảm xúc. 
  • Có triệu chứng chức năng từ trung bình đến nặng không đáp ứng với điều trị nội khoa thông thường. 
  • Được chẩn đoán mắc các bệnh lý tiêu hoá mạn tính như: bệnh lý viêm ruột mạn tính (Crohn, viêm loét đại trực tràng chảy máu), viêm tuỵ mạn tính, trào ngược dạ dày thực quản (GERD) kèm theo các biểu hiện lo âu, trầm cảm, có thể áp dụng kết hợp cùng với các biện pháp điều trị tiêu chuẩn. 

Các giải pháp liên quan đến thay đổi hệ vi sinh đường ruột 

Bổ sung các thực phẩm có lợi cho hệ vi sinh đường ruột  

Một số nhóm thực phẩm đã có bằng chứng cho thấy có lợi cho hệ vi sinh đường ruột và tác đến trục não ruột thông qua các cơ chế như làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi, hạn chế lượng vi khuẩn có hại, giảm các chất oxy hoá, các yếu tố tiền viêm, tăng cường tryptophan (là acid amin giúp tăng cường sản xuất chất dẫn truyền serotonin). Từ đó cũng góp phần cải thiện và tăng cường chức năng của bộ não, cải thiện nhận thức, hành vi và tâm trạng. Cụ thể một số thực phẩm có thể lựa chọn đó là [13]: 

  • Acid béo omega-3: Quả óc chó, hạt lanh, cá hồi, cá mòi, cá thu,… 
  • Thực phẩm lên men: Sữa chua, pho mát,… 
  • Thực phẩm giàu chất xơ: đậu, ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch, các loại hạt, sô cô la đen, trái cây và rau,… 
  • Thực phẩm giàu polyphenol: ca cao, trà xanh, dầu ô liu và cà phê,… 
  • Thực phẩm giàu tryptophan: thịt gà, trứng, pho mát,… 
  • Vitamin D: lòng đỏ trứng, cá ngừ, cá hồi, nước cam, sữa,…. 
  • Protein: trứng, sữa, sữa chua, thịt bò nạc, thịt gà, cá, bông cải xanh, yến mạch và các loại hạt. 

Vai trò của probiotic trong hệ vi sinh đường ruột 

Probiotic được định nghĩa là những vi sinh vật sống mang lại lợi ích về sức khoẻ cho vật chủ khi dùng với lượng phù hợp [17]. Thuật ngữ "Psychobiotics" ra đời để chỉ một nhóm probiotics, là những vi sinh vật sống mang lại lợi ích cho các bệnh nhân có các bệnh lý tâm thần kinh khi được sử dụng với lượng thích hợp [18]. Một số probiotic đã được chứng minh hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng lo âu, trầm cảm, stress ở bệnh nhân có các bệnh lý tiêu hoá chức năng, trong đó nổi bật là một số loài thuộc các chi Lactobacillus, Lactococcus, Bifidobacterium [19, 20]. 

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm mà trong công thức đã có sự kết hợp nhiều chủng lợi khuẩn, nhằm hỗ trợ điều trị triệu chứng lo âu, trầm cảm và các rối loạn tiêu hoá. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại và lượng probiotic như thế nào nào vẫn nên có sự tư vấn của bác sĩ để phù hợp với từng tình trạng bệnh và cân nhắc đầy đủ về vấn đề chi phí-hiệu quả cho bệnh nhân. 

Ngoài ra, để giúp duy trì sự cân bằng và tái cân bằng hệ vi sinh đường ruột, bệnh nhân cũng nên có một chế độ luyện tập phù hợp và rèn luyện thói quen sử dụng hợp lý các thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ vi sinh đường ruột đặc biệt là thuốc kháng sinh. 

TS. BS. Đào Việt Hằng ​​​​​​​

 

Tài liệu tham khảo 

  1. Cryan, J.F. and T.G. Dinan, Mind-altering microorganisms: the impact of the gut microbiota on brain and behaviour. Nat Rev Neurosci, 2012. 13(10): p. 701-12. 
  2. Thakur, D.A., et al., Gut-Microbiota and Mental Health: Current and Future Perspectives. 2013.
  3. Wang, H.-X. and Y.-P. Wang, Gut Microbiota-brain Axis. Chinese medical journal, 2016. 129(19): p. 2373-2380. 
  4. Fond, G., et al., Anxiety and depression comorbidities in irritable bowel syndrome (IBS): a systematic review and meta-analysis. European archives of psychiatry and clinical neuroscience, 2014. 264. 
  5. Zhang, A.-Z., et al., Prevalence of depression and anxiety in patients with chronic digestive system diseases: A multicenter epidemiological study. World journal of gastroenterology, 2016. 22(42): p. 9437-9444. 
  6. Van Oudenhove, L., et al., Biopsychosocial Aspects of Functional Gastrointestinal Disorders. Gastroenterology, 2016. 
  7. Keefer, L., O.S. Palsson, and J.E. Pandolfino, Best Practice Update: Incorporating Psychogastroenterology Into Management of Digestive Disorders. Gastroenterology, 2018. 154(5): p. 1249-1257. 
  8. Schmidt, C., Mental health: thinking from the gut. Nature, 2015. 518(7540): p. S12-5. 
  9. Amon, P. and I. Sanderson, What is the microbiome? Archives of disease in childhood - Education & practice edition, 2017. 102: p. edpract-2016. 
  10. Dinan, T.G. and J.F. Cryan, Melancholic microbes: a link between gut microbiota and depression? Neurogastroenterol Motil, 2013. 25(9): p. 713-9. 
  11. Palsson, O.S. and W.E. Whitehead, Psychological treatments in functional gastrointestinal disorders: a primer for the gastroenterologist. Clin Gastroenterol Hepatol, 2013. 11(3): p. 208-16; quiz e22-3. 
  12. Drossman, D.A., et al., AGA technical review on irritable bowel syndrome. Gastroenterology, 2002. 123(6): p. 2108-31. 
  13. Ljungberg, T., E. Bondza, and C. Lethin, Evidence of the Importance of Dietary Habits Regarding Depressive Symptoms and Depression. International journal of environmental research and public health, 2020. 17(5): p. 1616. 
  14. Huang, R., K. Wang, and J. Hu, Effect of Probiotics on Depression: A Systematic Review and Meta-Analysis of Randomized Controlled Trials. Nutrients, 2016. 8(8). 
  15. Wallace, C.J.K. and R. Milev, The effects of probiotics on depressive symptoms in humans: a systematic review. Annals of general psychiatry, 2017. 16: p. 14-14. 
  16. Ng, Q.X., et al., A meta-analysis of the use of probiotics to alleviate depressive symptoms. J Affect Disord, 2018. 228: p. 13-19. 
  17. Hotel, A., Health and Nutritional Properties of Probiotics in Food Including Powder Milk with Live Lactic Acid Bacteria – Joint FAO/WHO Expert Consultation. 2001. 2014. 
  18. Dinan, T.G., C. Stanton, and J.F. Cryan, Psychobiotics: a novel class of psychotropic. Biol Psychiatry, 2013. 74(10): p. 720-6. 
  19. Morkl, S., et al., Probiotics and the Microbiota-Gut-Brain Axis: Focus on Psychiatry. Curr Nutr Rep, 2020. 9(3): p. 171-182. 
  20. Tremblay, A., et al., The effects of psychobiotics on the microbiota-gut-brain axis in early-life stress and neuropsychiatric disorders. Prog Neuropsychopharmacol Biol Psychiatry, 2021. 105: p. 110142.
Chia sẻ: