Ths.Bs. Đoàn Hoàng Long
ĐHYK Phạm Ngọc Thạch - Khoa nội tiêu hóa
Bệnh tiêu hóa bao gồm các triệu chứng phổ biến như nuốt nghẹn, ợ nóng, khó tiêu .v..v. Vậy đâu là nguyên nhân & cách điều trị các triệu chứng này.
Nuốt nghẹn là gì?
Nuốt nghẹn (còn gọi là nuốt khó) xảy ra do có vấn đề cản trở việc di chuyển của thức ăn và nước uống từ miệng qua họng xuống thực quản (đoạn nối từ họng xuống dạ dày).
Nuốt nghẹn nặng có thể gây suy dinh dưỡng và gây sặc thức ăn. Mặc dù hầu hết trường hợp nuốt nghẹn do nguyên nhân lành tính, nhưng trong một số trường hợp, nuốt nghẹn có thể là do ung thư. Do đó, việc chẩn đoán nuốt nghẹn và tìm nguyên nhân rất quan trọng.
Nguyên nhân của nuốt nghẹn là gì?
Nuốt nghẹn có thể gây ra do nhóm nguyên nhân bất thường về giải phẫu ở vùng hầu họng, thực quản hoặc do nhóm nguyên nhân bất thường ở thần kinh-cơ làm cho cơ của vùng hầu họng-thực quản không đẩy thức ăn xuống dạ dày được.
- Nuốt nghẹn do nguyên nhân bất thường giải phẫu ở hầu họng. Nhóm nguyên nhân này thường gây ra nghẹn ở vùng cổ, kèm với triệu chứng sặc lên mũi, sặc vào đường hô hấp. Nguyên nhân thường gặp là: khối u, túi thừa ở hầu họng, …
- Nuốt nghẹn do nguyên nhân bất thường giải phẫu ở thực quản. Nhóm nguyên nhân này thường gây nghẹn ở cổ hoặc ngực. Nguyên nhân thường gặp: Khối u thực quản, hẹp thực quản do viêm thực quản do thuốc, viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, viêm thực quản do tia xạ (sau xạ trị ung thư),…
- Nuốt nghẹn do rối loạn hệ thần kinh-cơ: sau tai biến mạch máu não, bệnh Parkinson, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, …
Chẩn đoán nguyên nhân nuốt nghẹn như thế nào?
Khi có nuốt nghẹn, người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay. Bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng nuốt nghẹn của người bệnh. Nếu nghi nguyên nhân là do bất thường ở vùng hầu họng, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám và soi họng thanh quản.
Nếu nghi nguyên nhân do bất thường ở thực quản, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán như:
- Nội soi tiêu hóa trên: bác sĩ sẽ đưa ống soi từ miệng qua họng và xuống thực quản để nhìn rõ những tổn thương (như khối u ở thực quản). Nội soi còn giúp sinh thiết tổn thương để quan sát chi tiết tổn thương dưới kính hiển vi.
- Chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang. X-quang được chụp sau khi người bệnh uống một chất lỏng trắng đục cản quang (chất barium) và chất này phủ lên bề mặt ống tiêu hóa. Lớp phủ này giúp bác sĩ thấy được bóng của thực quản, dạ dày và những tổn thương nếu có.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Đây là xét nghiệm hình ảnh học rất hiệu quả để thấy rõ hình ảnh bên trong cơ thể. Nó giúp phát hiện những tổn thương gây nuốt nghẹn (u, viêm,…) với hình ảnh chi tiết.
Ợ nóng là gì?
Ợ nóng là cảm giác nóng rát ở ngực, thường kèm cảm giác chua ở họng. Triệu chứng ợ nóng thường nặng hơn sau ăn no hoặc khi nằm.
Nhìn chung, ợ nóng có thể được điều trị thành công trong đa số các trường hợp. Tuy nhiên, nếu ợ nóng xảy ra thường xuyên và gây nuốt nghẹn, đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng.
Nguyên nhân của ợ nóng?
Ợ nóng xảy ra khi có sự trào ngược dịch dạ dày lên thực quản. Thực quản là đoạn nối từ miệng tới dạ dày.
Các nguyên nhân gây ra ợ nóng là:
- Cơ thắt thực quản dưới bị yếu. Thực quản ngăn cách với dạ dày bằng một đoạn cơ, gọi là cơ thắt thực quản dưới. Cơ thắt này ngăn dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Nếu cơ thắt này bị yếu hoặc hoạt động không hiệu quả, thì sẽ có hiện tượng trào ngược dịch dạ dày lên thực quản. A-xít của dịch dạ dày sẽ kích thích thực quản và gây ra triệu chứng ợ nóng. Đây là triệu chứng chính của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Thoát vị hoành. Ợ nóng cũng có thể gây ra do thoát vị hoành. Cơ hoành là một cơ lớn ngăn cách giữa ngực và bụng. Thoát vị hoành là tình trạng một phần của dạ dày di chuyển qua lỗ cơ hoành để lên ngực và dễ gây ra triệu chứng ợ nóng.
- Thai kì. Ợ nóng cũng thường gặp trong thai kì. Khi có thai, nội tiết tố trong thời kì mang thai làm cho cơ thắt thực quản dưới yếu đi và làm cho dịch dạ dày dễ trào ngược lên thực quản và gây ra triệu chứng ợ nóng.
Một số yếu tố khác có thể làm nặng thêm triệu chứng ợ nóng như:
- Hút thuốc
- Thừa cân, béo phì
- Uống cà-phê, rượu bia, sô-cô-la
- Ăn những thức ăn nhiều gia vị (chua, cay, …), nhiều dầu mỡ.
- Nằm ngay sau ăn
- Ăn tối muộn
- Ăn quá no
- Uống một số thuốc như aspirin (dùng trong điều trị bệnh tim mạch) hoặc nhóm thuốc giảm đau không steroid (như ibuprofen, meloxicam..)
Khó tiêu là gì?
Khó tiêu là cảm giác đầy bụng, khó chịu trong khi ăn hoặc sau ăn, có thể kèm theo cảm giác đau rát ở vùng bụng trên.
Khó tiêu là một triệu chứng chứ không phải một bệnh. Việc điều trị triệu chứng tùy thuộc vào nguyên nhân.
Những nguyên nhân gây khó tiêu
Nam và nữ ở mọi độ tuổi đều có thể bị khó tiêu. Các nguyên nhân bao gồm:
Bệnh:
- Viêm loét dạ dày tá tràng
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Ung thư dạ dày.
- Liệt dạ dày. Đây là tình trạng khi dạ dày giảm khả năng tống thức ăn xuống ruột. Tình trạng này thường gặp trên bệnh nhân bị đái tháo đường.
- Viêm dạ dày do vi khuẩn H.pylori
- Hội chứng ruột kích thích
- Viêm tụy
- Bệnh lý tuyến giáp
Thuốc:
- Aspirin và một số nhóm thuốc giảm đau
- Thuốc tránh thai
- Thuốc kháng viêm nhóm Steroid
- Một số thuốc kháng sinh
- Thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp
Lối sống:
- Ăn quá nhiều, quá nhanh. Thức ăn nhiều dầu mỡ cũng có thể gây khó tiêu.
- Uống nhiều bia rượu
- Hút thuốc lá
- Căng thẳng và mệt mỏi
Khó tiêu chức năng. Người bệnh có khó tiêu kéo dài mà không có liên quan gì tới những nguyên nhân kể trên.
Thai kì. Nhiều phụ nữ có khó tiêu trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kì. Nguyên nhân là do nội tiết tố trong thai kì làm giảm sự vận động của ống tiêu hóa và thai to tạo áp lực lên dạ dày.
Điều trị
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây khó tiêu. Ngoài ra, người bệnh có thể thực hiện một số phương pháp thay đổi lối sống để giảm bớt triệu chứng:
- Không nên mở to miệng trong khi nhai, không nên nói trong khi nhai, không ăn quá nhanh. Những hành động này làm người bệnh nuốt nhiều không khí và dễ dẫn đến tình trạng khó tiêu.
- Nếu có uống nước giải khát thì nên uống sau bữa ăn thay vì trong bữa ăn
- Tránh ăn tối muộn
- Nghỉ ngơi sau ăn
- Tránh ăn thức ăn nhiều gia vị
- Bỏ thuốc lá
- Tránh uống bia rượu
Nếu triệu chứng khó tiêu vẫn không giảm, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc để giúp làm giảm triệu chứng.
Phòng ngừa triệu chứng khó tiêu như thế nào?
Cách tốt nhất để phòng ngừa triệu chứng này là tránh những thức ăn và những tình trạng dễ dẫn đến khó tiêu. Người bệnh cần lưu ý những thức ăn dễ gây khó tiêu và tránh dùng chúng. Ngoài ra, cũng có một số cách để phòng ngừa chứng khó tiêu như:
- Ăn nhiều bữa nhỏ thay vi ăn một lần quá no.
- Ăn chậm.
- Tránh những thức ăn chua
- Hạn chế ăn thức ăn nhiều gia vị
- Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ
- Hạn chế cà-phê
- Kiểm soát căng thẳng, nghỉ ngơi, thư giãn
- Bỏ thuốc lá
- Hạn chế bia rượu
- Tránh mặc quần áo chật. Nó làm tăng áp lực lên dạ dày và dễ dẫn đến khó tiêu và trào ngược dạ dày thực quản
- Không tập thể dục sau khi ăn no. Nên tập thể dục trước ăn hoặc ít nhất là 1 tiếng sau khi ăn.
- Không nằm ngay sau ăn
- Chờ ít nhất 3 tiếng sau bữa ăn cuối cùng trong ngày rồi mới đi ngủ.
Khi nào cần đi khám?
Do khó tiêu có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nặng, người bệnh cần đi khám ngay nếu có một trong những triệu chứng sau:
- Nôn ra máu đỏ hoặc nôn ra máu đen giống bã cà phê
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Chán ăn
- Phân có máu đỏ hoặc máu đen, bóng như nhựa đường
- Đau bụng nhiều
- Cơn đau tim cũng có thể gây triệu chứng giống khó tim. Người bệnh cần đi cấp cứu ngay nếu có triệu chứng khó thở, vã mồ hôi hoặc đau lan dọc hàm, cổ hoặc cánh tay.
Tài liệu tham khảo
1. Longo, D., & Fauci, A. (2013). Harrison's Gastroenterology and Hepatology, 2e. McGraw-Hill Education, pp.27-40.
2. https://www.healthline.com/health/heartburn (access date: 11/06/2020)
3. https://www.webmd.com/heartburn-gerd/indigestion#1 (access date: 11/06/2020)