1. Kế hoạch chăm sóc sức khỏe
Di chúc y khoa (còn gọi là tiền chỉ thị) là tài liệu pháp lý phác thảo các điều ưu tiên của bạn. Nó chỉ được áp dụng nếu bạn không thể đưa ra quyết định. Đối với việc lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe, mong muốn của người bệnh sẽ được nói ra trước. Các bác sĩ hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe sẽ tuân theo những mong muốn này để điều trị cho bạn. Di chúc y khoa bao gồm 2 phần tài liệu chính:
- Di chúc khi còn sống: cho các bác sĩ biết bệnh nhân muốn được điều trị như thế nào nếu họ sắp chết hoặc bất tỉnh vĩnh viễn và không thể tự quyết định về việc điều trị khẩn cấp của chính bản thân mình.
- Giấy ủy quyền lâu dài về chăm sóc sức khỏe: bệnh nhân sẽ chỉ định một “người được ủy quyền”. Người này sẽ đưa ra quyết định y tế cho người bệnh khi họ không có khả năng làm điều đó
Trường hợp không có di chúc y khoa mà bệnh nhân không có khả năng đưa ra ý kiến hay quyết định, thì cần có một người khác đưa ra các quyết định điều trị thay cho họ. Hãy trao đổi trước với gia đình, bạn bè và các bác sĩ về những phương án chăm sóc mà bạn muốn. Sẽ tốt và hữu ích hơn khi bạn tự trình bày với bác sĩ về các vấn đề liên quan đến tình trạng của mình
Ví dụ, trong giai đoạn sau của bệnh Alzheimer, người bệnh có thể gặp khó khăn khi nuốt. Điều này có thể đưa thức ăn hoặc chất lỏng vào phổi và gây viêm phổi. Các bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp để giúp bệnh nhân hồi phục. Chẳng hạn như nối một ống truyền thức ăn từ mũi đến dạ dày để cung cấp dinh dưỡng, đặt máy thở để hỗ trợ việc hít thở và sử dụng thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng phổi. Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối đời, một số người bệnh có thể cần sự thoải mái hơn là cố gắng hồi phục.
Các quyết định y khoa cần xem xét khi lập kế hoạch bao gồm:
- Yêu cầu không đặt nội khí quản (DNI): cho phép nhân viên y tế trong bệnh viện hoặc cơ sở điều dưỡng biết rằng bạn không muốn đặt máy thở.
- Yêu cầu không hồi sức (DNR): lệnh này yêu cầu các bác sĩ, NVYT không được thực hiện hồi sức tim phổi hoặc các quy trình hỗ trợ sinh tồn khác trong trường hợp ngừng tim hoặc ngừng thở.
- Các lệnh y tế khác: thông báo cho các bác sĩ về các ưu tiên của bệnh nhân đối với các biện pháp điều trị duy trì sự sống và hỗ trợ sự sống trong trường hợp cấp cứu. Những yêu cầu này có nhiều tên khác nhau, nhưng thường được gọi là mẫu POLST (Y Lệnh của Bác Sĩ về Điều Trị Duy Trì Sự Sống) hoặc MOLST (Yêu cầu Y tế về Điều trị Duy trì Sự sống).
- Hiến tặng nội tạng và mô: cho phép các cơ quan khỏe mạnh hoặc các bộ phận cơ thể khác từ một người đã chết được cấy ghép cho những người cần chúng.
- Hiến não cho nghiên cứu khoa học: giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về cách bệnh Alzheimer và các chứng sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến não, cũng như cách điều trị và ngăn ngừa chúng tốt hơn.
Di chúc y khoa sẽ giúp người bệnh nói lên những mong muốn trong việc điều trị
2. Kế hoạch chuẩn bị tài chính
Sau khi được chẩn đoán mắc Alzheimer hoặc các chứng sa sút trí tuệ khác, vấn đề tài chính thường bị gười bệnh đẩy sang một bên. Lý do một phần là vì căng thẳng, phần còn lại là sợ nhắc đến chủ đề này.
Tuy nhiên, bệnh nhân có thể giảm căng thẳng hay lo lắng bằng cách lập kế hoạch từ trước.
Để lập kế hoạch tài chính, hãy bắt đầu với các bước sau:
- Lập bảng liệt kê các thông tin về tài chính và pháp lý. Điều này sẽ giúp ích người bệnh trong việc chuẩn bị các tài liệu cần thiết và quản lý tất cả các tài sản/khoản nợ mà họ và bạn đời của họ chịu trách nhiệm.
-
- Xác định các thành viên nào trong gia đình nên được đưa vào kế hoạch tài chính. Ví dụ, liệt kê những người hiểu rõ tình trạng của người bệnh và những người có thể hỗ trợ người bệnh.
- Xác định các chi phí cần cho quá trình điều trị và chăm sóc. Hãy xem xét các chi phí bệnh nhân có thể phải chi trả bây giờ và trong tương lai.
- Xem xét lợi ích hoặc hỗ trợ từ phía nhà nước. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể đủ điều kiện nhận được hỗ trợ về chi phí thuốc theo toa, chi phí đi lại và bữa ăn.
- Xem lại các chính sách bảo hiểm chăm sóc dài hạn. Hãy kiểm tra xem chính sách bảo hiểm đó có thể giúp trang trải chi phí chăm sóc trong tương lai hay không.
- Kiểm tra phúc lợi của cựu chiến binh. Nếu bệnh nhân đã từng phục vụ trong lực lượng vũ trang (bất kể đơn vị nào, thời gian nào), một số phúc lợi và hỗ trợ dành riêng cho cựu chiến binh có thể giúp bệnh nhân hỗ trợ chi phí.
- Quyết định người có thể giúp bệnh nhân hoàn thành trách nhiệm tài chính. Điều này có thể bao gồm: thanh toán hóa đơn, sắp xếp nhận hỗ trợ, đưa ra quyết định đầu tư, quản lý tài khoản ngân hàng và các vấn đề về thuế.
Người bệnh sa sút trí tuệ cũng nên chuẩn bị kế hoạch về mặt tài chính
3. Kế hoạch cho những vấn đề pháp lý
Bạn có thể cảm thấy choáng ngợp bởi các chi tiết trong kế hoạch pháp lý. Một số yếu tố có thể không áp dụng cho tình huống của bạn. Hãy dành thời gian để xem xét thông tin về các kế hoạch pháp lý. Có thể trò chuyện với bác sĩ hoặc các thành viên trong gia đình về các kế hoạch pháp lý mà bạn muốn.
Kế hoạch pháp lý nên bao gồm:
- Xem lại các tài liệu pháp lý của bạn, rà soát và thực hiện các cập nhật cần thiết
- Lập kế hoạch pháp lý cho tài chính và tài sản.
- Đưa ra những mong muốn về chăm sóc sức khỏe và chăm sóc dài hạn trong tương lai.
- Ủy quyền cho người thân quyết định thay bạn khi bạn không thể tự đưa ra quyết định nữa.
4. Kế hoạch chăm sóc dài hạn
Khi các triệu chứng tiến triển, cần có một kế hoạch chăm sóc dài hạn cụ thể. Người bệnh và gia đình nên bắt đầu lên kế hoạch cho khả năng chăm sóc dài hạn càng sớm càng tốt. Các nhân viên xã hội hoặc nhân viên y tế lão khoa có thể hỗ trợ và tư vấn cho người bệnh để tạo ra một kế hoạch chăm sóc dài hạn.
Kế hoạch chăm sóc dài hạn có thể được xây dựng tại nhà hoặc được cung cấp tại cơ sở bên ngoài. Tại một số thời điểm, người bệnh sa sút trí tuệ có thể cần được chăm sóc suốt ngày đêm. Họ có thể biểu hiện một số hành vi chẳng hạn như kích động hay đi lang thang. Điều này có thể gây nguy hiểm cho họ khi ở nhà. Những trường hợp cần sự trợ giúp toàn thời gian có thể chuyển đến một cơ sở hỗ trợ. Ví dụ: nhà dưỡng lão hoặc cơ sở nội trú có sẵn nhiều hoặc tất cả các dịch vụ chăm sóc dài hạn.
Khi lập kế hoạch chăm sóc dài hạn, một số gợi ý cần được cân nhắc đến:
- Người bệnh sẽ sống ở đâu khi về già? Nơi đó sẽ hỗ trợ nhu cầu và bảo đảm sự an toàn của họ như thế nào?
- Những dịch vụ chăm sóc dài hạn nào có sẵn? Chúng sẽ có giá bao nhiêu?
- Cần lập kế hoạch trước bao lâu để người bệnh có thể đưa ra những quyết định quan trọng khi họ vẫn còn khả năng?
Nơi ở là một điều đáng lưu tâm trong việc chuẩn bị kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người bệnh sa sút trí tuệ
5. Các Tip hữu ích cho việc lên kế hoạch
Một vài lời khuyên và một số checklist có thể giúp người bệnh bắt đầu những việc cần làm sau khi chẩn đoán chứng mất trí nhớ Alzheimer hoặc chứng sa sút trí tuệ khác. Để lập kế hoạch cho tương lai, bệnh nhân sa sút trí tuệ có thể:
- Trao đổi sớm với các thành viên trong gia đình.
- Bảo quản các giấy tờ quan trọng ở một nơi và cho một người bạn tin cậy biết điều này.
- Cập nhật các tài liệu và ghi chép khi tình trạng của bản thân thay đổi.
- Tạo bản sao các yêu cầu chăm sóc sức khỏe. Đảm bảo rằng chúng được đặt trong tất cả các hồ sơ y tế.
- Cho phép bác sĩ hoặc luật sư nói chuyện trực tiếp với người chăm sóc nếu cần.
Khi được chẩn đoán mắc các chứng bệnh về sa sút trí tuệ, người bệnh nên lập những kế hoạch cho tương lai. Điều này sẽ giúp việc chung sống với căn bệnh sa sút trí tuệ trở nên dễ dàng hơn. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích.
Nguồn tham khảo
- www.nia.nih.gov. (n.d.). Planning for the Future After a Dementia Diagnosis | Alzheimers.gov. Available at: https://www.alzheimers.gov/life-with-dementia/planning-for-future#end-of-life-planning [Accessed 20 Mar. 2023].
- www.alzheimers.org.uk. (n.d.). 4 ways to plan for the future when living with dementia | Alzheimer’s Society. Available at: https://www.alzheimers.org.uk/blog/4-ways-plan-for-future-when-living-dementia.
- Alzheimer’s Disease and Dementia. (2023). Plan for Your Future. Available at: https://www.alz.org/help-support/i-have-alz/plan-for-your-future [Accessed 20 Mar. 2023].
- www.dementia.org.au. (n.d.). Planning for the future. Available at: https://www.dementia.org.au/information/about-you/i-have-dementia/planning-for-the-future.