Yêu bao tử

CẢI THIỆN TRIỆU CHỨNG TIÊU HÓA TRÊN BỆNH NHÂN PARKINSON

13/10/2021

Hình sưu tầm, nguồn https://clinical.r-biopharm.com/news/parkinsons-disease-from-helicobacter-pylori/#

Đại cương: 

Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa mạn tính tiến triển, thường thấy ở người cao tuổi (tuổi khởi bệnh trung bình từ 58-60), đặc trưng bởi sự phá hủy các tế bào nơ-rôn kiểm soát vận động dẫn đến các bất thường về vận động như: run, cứng cơ, bất động và rối loạn phản xạ tư thế. Xu hướng mắc bệnh tăng lên do tuổi thọ trung của dân số chung ngày càng tăng. Trên thực tế, ngoài bệnh Parkinson, nhiều người bệnh có biểu hiện tương tự với nguyên nhân tổn thương thần kinh cụ thể được gọi là hội chứng Parkinson. 

Sự kết nối giữa các nơ rôn xuyên suốt cơ thể giúp liên kết não và tủy sống đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, trong đó có đường tiêu hóa. Do đó, bệnh cạnh bất thường tín hiệu thần kinh đến các cơ vận động, ở bệnh nhân Parkinson còn có sự cản trở các tín hiệu thần kinh từ hệ thần kinh trung ương đến các cơ quan tiêu hóa như thực quản, dạ dày.

Ngoài ra, bệnh Parkinson còn ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh ruột - là hệ thống thần kinh chạy dọc theo chiều dài ruột và hoạt động một cách độc lập với não bộ và hệ thần kinh trung ương. Do sự ảnh hưởng đến cả hệ thống thần kinh trung ương và hệ thần kinh ruột, nên bệnh nhân Parkinson có một số biểu hiện và bệnh lý tại đường tiêu hóa.

Các vấn đề tiêu hóa thường gặp ở bệnh nhân Parkinson 

Táo bón 

Táo bón là triệu chứng tiêu hóa thường gặp nhất ở bệnh nhân Parkinson, ảnh hưởng đến 60 - 80% bệnh nhân. Táo bón xuất hiện khi nhu động ruột của bệnh nhân bị giảm, biểu hiện bằng số lần đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng triệu chứng táo bón thường bắt đầu trước khi xuất hiện các triệu chứng vận động. Nguyên nhân của tình trạng giảm nhu động này có thể do ảnh hưởng trực tiếp từ bệnh Parkinson hoặc gián tiếp do tác dụng phụ của một số thuốc điều trị bệnh. Táo bón có thể nặng hơn khi: uống ít nước, thay đổi chế độ ăn, ít vận động hoặc sử dụng một số thuốc gây giảm nhu động ruột. Trong các trường hợp táo bón nặng, nhu động ruột giảm nặng hoặc mất có thể dẫn tới tình trạng tắc nghẽn phân trong đường ruột gây triệu chứng: đau quặn bụng, ói mửa, chướng bụng.

Chảy nước bọt và khó nuốt 

Chảy nước bọt là một trong những triệu chứng thường gặp nhất của bệnh Parkinson, một số nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ xuất hiện triệu chứng này có thể lên đến 80%. Triệu chứng này thường ít được chú ý trên lâm sàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng, việc tăng tiết nước bọt quá mức có thể dẫn đến mất nước, rối loạn dinh dưỡng, viêm phổi hít. Nguyên nhân của chảy nước bọt chủ yếu do tình trạng giảm khả năng nuốt ở các bệnh nhân Parkinson.  

Khó nuốt xuất hiện khoảng 50% bệnh nhân Parkinson do tình trạng giảm vận động các cơ lưỡi và hầu họng. Do ảnh hưởng lên các nơ rôn thần kinh, những người mắc bệnh Parkinson thường có xu hướng nuốt ít và nuốt không thường xuyên. Điều này dẫn đến ứ đọng nước bọt trong miệng, chảy nước bọt, nuốt thức ăn khó khăn, dễ bị sặc và thức ăn dễ trôi ra ngoài. 

Buồn nôn, nôn và liệt dạ dày 

Buồn nôn và nôn là các triệu chứng thường gặp của bản thân bệnh Parkinson hoặc cũng có thể là do tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh. Các triệu chứng này có thể xuất hiện do tình trạng tổn thương hệ thần kinh ruột trong diễn tiến của bệnh. Bên cạnh đó, buồn nôn và nôn có thể do sự tương tác của thụ thể dopamine ruột với thuốc điều trị bệnh Parkinson (ví dụ: levodopa). 

Một nguyên nhân khác của buồn nôn và nôn ở bệnh nhân Parkinson là tình trạng liệt dạ dày. Liệt dạ dày có thể hiện diện ở 70% bệnh nhân Parkinson có triệu chứng tiêu hóa. Các triệu chứng của bệnh lý này bao gồm buồn nôn, nôn, mau no, đầy bụng, khó tiêu. Khi bệnh kéo dài sẽ dẫn đến sụt cân, rối loạn dinh dưỡng. 

Ảnh hưởng của các triệu chứng tiêu hóa trên bệnh Parkinson 

Các triệu chứng tiêu hóa có ảnh hưởng đáng kể trên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Parkinson và có thể làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị bệnh. Ví dụ, chảy nước bọt và khó nuốt có thể gây khó khăn trong việc uống thuốc của bệnh nhân. Tương tự, liệt dạ dày có thể gây ra những thay đổi trong đáp ứng điều trị do ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc vào máu. Những điều đó làm nặng nề thêm các triệu chứng vận động của bệnh nhân. Do đó, việc điều trị hiệu quả các triệu chứng tiêu hóa trên bệnh nhân Parkison cũng đồng thời giúp cho việc điều trị các triệu chứng vận động tốt hơn từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. 

Làm cách nào để cải thiện triệu chứng tiêu hóa trên bệnh nhân Parkinson? 

Với vấn đề táo bón, có thể sử dụng các biện pháp như: 

  • Tăng cường sử dụng những thực phẩm giàu chất xơ: ngũ cốc nguyên cám, các sản phẩm từ yến mạch nguyên hạt, các loại đậu… 
  • Uống nhiều nước: một trong những chức năng chính của đại tràng là tái hấp thu nước; do đó, duy trì uống nước nhiều có thể giúp làm mềm phân, giúp việc di chuyển của phân dễ dàng hơn. 
  • Bổ sung những sản phẩm từ sữa lên men có kèm lợi khuẩn như sữa chua trong bữa ăn. 
  • Tăng cường vận động và tập thể dục. 

Ngoài ra, táo bón cũng là tác dụng phụ thường gặp của một vài thuốc dùng điều trị bệnh Parkinson, đặc biệt là nhóm kháng cholinergic. Do đó, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ điều trị các triệu chứng của mình để được điều chỉnh liều thuốc và loại thuốc nhằm giảm ảnh hưởng của thuốc lên sự vận chuyển của đường ruột. Trong trường hợp đáp ứng kém, bác sĩ có thể kê một số thuốc điều trị, như thuốc nhuận tràng thẩm thấu giúp làm mềm phân nhằm hỗ trợ việc đi tiêu. Một số bệnh nhân có thể sử dụng các thuốc này trong thời gian dài để duy trì hiệu quả chống táo bón. Thuốc nhuận tràng kích thích có thể sử dụng để tăng nhu động ruột trong các trường hợp nặng và không đáp ứng với thuốc nhuận tràng thẩm thấu. 

Với vấn đề chảy nước bọt và khó nuốt: 

Một số phương pháp không dùng thuốc có thể được áp dụng để cải thiện tình trạng chảy nước bọt và khó nuốt của bệnh nhân Parkinson như: ngậm kẹo, tập nuốt. Các liệu pháp ngôn ngữ và điều chỉnh tư thế cũng có thể giảm tiết nước bọt hiệu quả. Giống như trong trường hợp táo bón, bước tiếp theo để làm giảm chảy nước bọt và cải thiện khả năng nuốt ở các bệnh nhân Parkinson đó là sử dụng một số thuốc nhằm cải thiện các rối loạn vận động. Tuy nhiên việc này cần có sự đánh giá và chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa thần kinh nhằm tránh các tác dụng phụ không mong muốn. 

Với vấn đề buồn nôn, nôn và liệt dạ dày: 

Cho đến hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị hiệu quả nào được công nhận đối với liệt dạ dày. Các biện pháp điều trị hiện nay chủ yếu tập trung vào việc làm giảm triệu chứng buồn nôn, nôn, khó tiêu, đầy bụng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các biện pháp bao gồm: 

  • Hạn chế các loại thực phẩm chứa phô mai, đồ ngọt và chất béo. 
  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày 
  • Tránh ăn quá nhiều. 
  • Vận động nhẹ nhàng sau khi ăn,
  • Tránh nằm ít nhất 2 giờ sau khi ăn 
  • Nhai kỹ thức ăn, uống nhiều nước 
  • Hạn chế hoặc tránh sử dụng rượu bia, thức uống có gas 
  • Ngưng thuốc lá 
  • Tập thể dục ít nhất 150 phút/ tuần 

Nếu lối sống và chế độ ăn kiêng không giúp cải thiện các triệu chứng trên đường tiêu hóa, hãy trao đổi với bác sĩ để có những biện pháp toàn diện, an toàn và hiệu quả, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc tránh gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Ths.Bs Võ Huy Văn – Bệnh viện Đại Học Y Dược 1

Tài liệu tham khảo 

  1. https://badgut.org/information-centre/a-z-digestive-topics/parkinsons-disease-and-the-gut/ 
  2. https://www.parkinson.org/ https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/parkinsons-disease/symptoms-causes/syc-20376055 
  3. https://www.nia.nih.gov/health/parkinsons-disease 

 

Chia sẻ: