13/07/2021
Tiêu hóa là một quá trình dài, hệ tiêu hóa được thiết kế diễn ra liên tục nhằm biến thức ăn thành các chất dinh dưỡng và nó hoạt động phức tạp đến mức bản thân bạn cũng hiếm khi nhận thấy cơ thể chúng ta bận rộn như thế nào.
Bài này giúp bạn hiểu rõ về hệ tiêu hóa của bạn cũng như hoạt động của các cơ quan này, để bạn có thể bảo vệ, cải thiện hoạt động của các cơ quan và phòng tránh nhiều bệnh lý liên quan.
Vậy bình thường hệ tiêu hóa hoạt động như thế nào?
Hệ tiêu hóa là hệ thống các cơ quan trọng cơ thể được tạo thành từ đường tiêu hóa và các cơ quan phụ trợ bao gồm răng, lưỡi, các tuyến nước bọt, gan, tuyến tụy và túi mật.
Đường tiêu hóa bao gồm những khu vực khác biệt về mặt phẫu thuật, những luôn ở trạng thái co thắt, bắt đầu từ miệng, họng, qua thực quản đến dạ dày, ruột non và ruột già, cuối cùng là hậu môn. Tuy có thể khác nhau ở mỗi người, tùy độ tuổi nhưng trung bình đường tiêu hóa của bạn có thể dài đến 9 mét.
Tại khoang miệng: Bạn nhai – nghiền thức ăn thành những mảnh nhỏ, đồng thời tuyến nước bọt được tiết ra, giúp trộn lẫn và nghiền thức ăn thành những miếng nhỏ hơn, ở đây một số tinh bột đơn giản trở thành đường đơn. Và đây là quá trình duy nhất bạn có thể tự chủ được về thời gian nhai hay cách nhai, khi thức ăn càng nhỏ dạ dày sẽ đỡ mệt mỏi hơn. Khi qua họng đi vào thực quản, nắp thanh quản lập tức đóng kín để tránh nguy cơ thức ăn có thể vô tình lọt vào đường thở. Một điều thú vị là lượng nước bọt bạn có thể tiết ra trong một năm có thể đổ đầy một bể bơi cỡ lớn đấy!
Thực quản: khi bạn nuốt thức ăn não ngay lập tức nhận được tín hiệu và hình thành nhu động co thắt đẩy thức ăn đi hết con đường dài 25cm chỉ mất một vài giây, rất nhanh đến nỗi bạn không nhận ra. Đồng thời, tại điểm ngăn cách giữa dạ dày và thực quản là cơ thắt thực quản dưới – gọi là “van”, có nhiệm vụ giữ cho thức ăn ở dạ dày không trào ngược lên thực quản.
Trong dạ dày: có thể ví như túi bao tử có các cơ rất khỏe mạnh. Cũng không ngạc nhiên vì dạ dày giữ, trộn, nghiền thức ăn với dịch vị dạ dày tạo thành dạng chất lỏng hoặc bột nhão gọi là nhũ trấp. Trong dạ dày, dịch dạ dày có độ axit rất cao để bắt đầu tiêu hóa protein và đảm bảo số lượng vi khuẩn đường ruột ở mức thấp. Thường thì thời gian thức ăn lưu dạ dày của bạn khoảng 2-3 giờ trước khi di chuyển xuống ruột non.
Ruột non: là một ống rất hẹp, dài khoảng 6 - 7 mét (có thể dài bằng chiều cao của hươu cao cổ), nhưng lại nằm gọn trong bụng của bạn một cách kỳ diệu và có diện tích bề mặt rất lớn. Ở ruột non làn sóng nhu động ruột liên tục di chuyển thức ăn suốt chiều dài ruột non, trung bình mất 4-7 giờ, đồng thời trộn đều với dịch tiêu hóa (dịch tụy và dịch mật). Tá tràng tiếp tục phân hủy thức ăn, các chất dinh dưỡng dần dần được hấp thụ tại hỗng tràng và hồi tràng. Thực tế có khoảng 95% dinh dưỡng được hấp thu tại đây đi vào máu và trở thành năng lượng nuôi dưỡng cơ thể.
Dịch tụy: là sản phẩm do các nang của tuyến tụy tiết ra. Được xem là dịch tiêu hóa quan trọng nhất vì có thể biến đổi tất cả các loại thức ăn.
Gan: Có hai chức năng chính trong hệ tiêu hóa là tiết dịch mật và lọc máu có các chất dinh dưỡng vừa được hấp thu từ ruột non.
Túi mật: dịch mật được tạo ra ở gan và di chuyển đến túi mật để lưu giữ thông qua ống mật. trong bữa ăn, túi mật co bóp đẩy dịch mật xuống ruột non. Tác dụng trong hệ tiêu hóa của dịch mật là nhờ vai trò của muối mật, tạo ra độ axit thích hợp cho các enzyme hoạt động
Nguồn: Internet
Ruột già (đại tràng): là một ống túi dài khoảng 1,5 - 2 mét, không thực hiện tiêu hóa nhiều nhưng đại tràng hút nước từ dịch để chuyển chất thải thành dạng rắn – hay còn gọi là phân. Bình thường, phần được xử lý ở đại tràng trong khoảng 36 – 40 giờ. Đại tràng của bạn cũng có một hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột vô cùng phong phú, các vi khuẩn này cũng thực hiện nhiều chức năng hữu ích như tổng hợp vitamin và các dưỡng chất, xử lý các chất thải, cặn lắng và bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn có hại. Tại ruột già có phần ruột thừa chứa các vi khuẩn cần được đẩy vào ruột và thông thường bạn sẽ không cần đến nó.
Trực tràng và hậu môn: Trực tràng – một đoạn ruột thẳng dài khoảng 20cm. Khi phần được di chuyển xuống đây sẽ kích thích những dây thần kinh đặc biệt báo cho bạn biết bạn cần đi đại tiện. Bộ não sẽ xử lý và quyết định có nên đi đại tiện hay không.
Ở trẻ nhỏ, chức năng này chưa hoàn thiện nên trẻ chưa thể đi đại tiện tự chủ. Ở người lớn, nếu bạn muốn nhịn cơ thắt và trực tràng điều chỉnh lại để tạm thời bỏ qua cảm giác muốn đi vệ sinh và ngược lại cơ vòng sẽ giãn ra để đưa phân ra khỏi cơ thể qua hậu môn.
Về cơ bản đây là vấn đề đơn giản. Bởi từ thức ăn qua quá trình tiêu hóa tạo dưỡng chất có ích nhờ đó bạn luôn đầy ắp năng lượng, từng tế bào trên cơ thể bạn phát triển và phục hồi.
Thông thường ở một người bình thường khỏe mạnh cần khoảng 24 – 72 giờ để thức ăn đi hết 9 mét của đường tiêu hóa. Tuy nhiên đôi khi mọi thứ không diễn ra theo ý muốn của bạn. Trên bất kỳ chặng đường nào của đường tiêu hóa khi bạn gặp một vấn đề ở một cơ quan nào đó sẽ ảnh hưởng lên quá trình tiêu hóa của bạn. Cơ thể bạn phản ứng sẽ cho bạn thấy dưới nhiều hình thức khác nhau từ những triệu chứng đơn giản như: trào ngược dạ dày (buồn nôn hay nôn, ợ chua), khó tiêu (đầy bụng, những tiếng kêu ùng ục ở bụng)…
Đến những triệu chứng phức tạp liên quan đến viêm loét dạ dày như đau bụng, những cơn đau âm ỉ trở nên nặng dần hoặc cảm giác khó chịu ở đường tiêu hóa mà bạn không thể tìm ra nguyên nhân.
Vì vậy, hãy chú ý lắng nghe cơ thể bạn muốn nói gì? Và, nếu có bất kỳ triệu chứng nào làm bạn khó chịu hãy đến gặp Bác sĩ để được thăm khám và trợ giúp nhé!
Chúc bạn sức khỏe!
1. Camilleri, M., Malagelada, J. R., Brown, M. L., Becker, G., & Zinsmeister, A. R. (1985). Relation between antral motility and gastric emptying of solids and liquids in humans. American Journal of Physiology-Gastrointestinal and Liver Physiology, 249(5), G580-G585.
2. Read, N. W., Al-Janabi, M. N., Holgate, A. M., Barber, D. C., & Edwards, C. A. (1986). Simultaneous measurement of gastric emptying, small bowel residence and colonic filling of a solid meal by the use of the gamma camera. Gut, 27(3), 300-308.
3. Britannica, T. Editors of Encyclopaedia (2020, March 12). Large intestine. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/science/large-intestine
4. NIDDK. (2017, December). Your Digestive System and How It Works. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Disease. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/digestive-system-how-it-works