23/06/2021
Hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel syndrom) hay còn gọi là đường hầm cổ tay, hội chứng chèn ép thần kinh giữa là một tình trạng gây đau, tê và ngứa bàn tay. Tình trạng này xảy ra thần kinh giữa bị ép hoặc nén khi đi qua cổ tay. Bệnh thường gặp ở phụ nữ, nhân viên văn phòng, những người làm công việc phải sử dụng tay nhiều, liên tục duy trì ở một tư thế cố định, bệnh cũng có thể xuất hiện sau chấn thương cổ tay. Người ta cũng phát hiện những trường hợp có tính chất gia đình, ở bệnh nhân này không phát hiện thấy nguyên nhân nào.
Hội chứng ống cổ tay là một bệnh do có chèn ép dây thần kinh giữa bởi các dây chằng và các cấu trúc khác trong đường hầm cổ tay. Kích thước các thành phần trong ống cổ tay tăng lên do những tổn thương bệnh lý như viêm màng hoạt dịch bao gân, viêm màng hoạt dịch các khớp cổ tay, gãy xương mới hoặc gãy xương can xấu, các khối u và đôi khi do các bất thường bẩm sinh.
Bệnh có xu thế đau tăng dần và nếu để muộn có thể gây tê tay, teo bàn tay, yếu ngón tay - bàn tay. Tuy bệnh không gây tử vong nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, nhất là với bàn tay thuận.
Về giải phẫu học, ống cổ tay là một đường hầm tại cổ tay, được tạo bởi mạc giữ gân gấp và các vách xung quanh là bờ của các xương cổ tay. Thần kinh giữa là một trong những dây thần kinh chính ở tay, nó bắt nguồn từ một nhóm rễ thần kinh ở cổ, các rễ kết hợp lại với nhau để tạo thành một dây thần kinh đi xuống cánh tay – cẳng tay, đi qua ống cổ tay ở cổ tay và đi vào bàn tay. Thần kinh giữa phụ trách cảm giác ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ½ ngón đeo nhẫn, thần kinh giữa cũng kiểm soát các cơ xung quanh gốc ngón cái. Do dây thần kinh giữa đi trong ống cổ tay nên nếu một nguyên nhân nào đó làm tăng áp lực trong ống cổ tay sẽ gây chèn ép lên dây thần kinh này. Giai đoạn đầu sự chèn ép sẽ ảnh hưởng đến chức năng cảm giác của dây thần kinh giữa gây nên triệu chứng tê bì, đau…vùng cổ và bàn tay, về sau sự chèn ép sẽ ảnh hưởng đến chức năng vận động, gây teo mô cái do liệt cơ đối ngón, làm cho người bệnh khó cầm nắm, dễ rơi đồ vật.
Nếu tình trạng chèn ép dây thần kinh giữa lâu ngày ảnh hưởng đến chức năng vận động, làm tổn thương dây thần kinh không hồi phục thì dù có phẫu thuật giải ép cũng không phục hồi được như ban đầu.
nguồn: internet
Hầu hết các trường hợp Hội chứng ống cổ tay là do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Các nghiên cứu cho thấy bệnh thường gặp ở những người co hoặc duỗi cổ tay quá mức thường xuyên: hay gặp ở nữ, nhân viên văn phòng, những người làm công việc phải sử dụng cổ tay nhiều, liên tục duy trì ở một tư thế cố định hoặc các hoạt động tạo ra rung động mạnh ở cổ tay và bàn tay… những yếu tố này thường gây viêm bao gân gấp các ngón tay trong ống cổ tay hoặc sự dày lên của mạc giữ gân gấp làm gia tăng áp lực trong ống cổ tay, chèn ép dây thần kinh giữa. Phụ nữ có thai giai đoạn cuối thai kỳ do ứ dịch làm tăng thể tích trong ống cổ tay, chèn ép thần kinh giữa. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
Do bất thường giải phẫu
Do nhiễm trùng
Bệnh mô liên kết
Bệnh chuyển hóa
Nguyên nhân khác
Triệu chứng lâm sàng của Hội chứng ống cổ tay khá đa dạng do thần kinh giữa là dây thần kinh hỗn hợp: cảm giác, vận động và thần kinh thực vật.
Triệu chứng thường gặp là tê, ngứa, bỏng rát và đau vùng chi phối của dây thần kinh giữa (ngón I, II, III, và 1/2 của ngón IV và gan bàn tay tương ứng với các ngón đó). Cảm giác đau rát có thể lan lên cẳng tay, thỉnh thoảng lan lên vai, cổ và ngực. Đau tăng lên khi làm những cử động của tay, đặc biệt là khi gấp hay duỗi cổ tay. Bệnh thường gây đau và khó chịu nhất về ban đêm.
Khám các nghiệm pháp:
Nghiệm pháp Tinel: Người khám dùng ngón tay gõ vào vùng ống cổ tay. Nghiệm pháp dương tính khi người bệnh có cảm giác tê bì hoặc đau theo vùng da chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay.
Nghiệm pháp Phalen: Cho bệnh nhân gấp hai cổ tay 90ᴼ, hai mu tay chạm nhau, trong vòng 60 giây. Nghiệm pháp dương tính khi biểu hiện đau hoặc dị cảm ở vùng chi phối của thần kinh giữa.
Ngiệm pháp Durkan: Người khám trực tiếp làm tăng áp lực cổ tay bệnh nhân bằng cách sử dụng ngón cái ấn vào vị trí giữa nếp gấp cổ tay. Nghiệm pháp dương tính khi người bệnh thấy tê bì, đau tăng lên theo sự phân bố thần kinh giữa khi ấn và giữ trên 30 giây. Nghiệm pháp này có thể nhạy hơn và đặc hiệu hơn so với hai nghiệm pháp Tinel và Phalen.
nguồn: internet
Yếu cơ và teo cơ, đặc biệt là cơ dạng ngắn ngón cái (mô cái) thường xuất hiện muộn hơn những rối loạn cảm giác. Biểu hiện yếu cơ bàn tay như khó thực hiện động tác cài cúc áo, bàn tay khó cầm nắm, dễ đánh rơi đồ vật…
- Điện cơ: có ích bao gồm điện cơ dò và xác định thời gian chậm trễ trong dẫn truyền cảm giác và vận động từng đoạn. Đo dẫn truyền thần kinh là phương pháp để chẩn đoán xác định hội chứng ống cổ tay cũng như mức độ tổn thương dây thần kinh giữa.
- Siêu âm: Siêu âm đầu dò phẳng tần số 12 HZ: CSA–I (Thiết diện cắt ngang đầu vào) lớn hơn 9,5mm2 và CSA–O (Thiết diện cắt ngang đầu ra) lớn hơn 9,2mm2. Siêu âm vừa giúp chẩn đoán bệnh vừa giúp chẩn đoán loại trừ.
- Xquang và MRI: giúp chẩn đoán nguyên nhân và chẩn đoán loại trừ.
Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay bao gồm:
Có ít nhất 1 triệu chứng cơ năng: đau ống cổ tay, dị cảm bàn tay, tê bì bàn tay, giảm hoặc mất cảm giác chi phối của thần kinh giữa, yếu cổ và bàn tay.
Có ít nhất một triệu chứng thực thể: bao gồm nghiệm pháp Tinel, Phalen hoặc Durkan.
Dấu hiệu trên đo điện cơ: có ít nhất 1 trong 2 chỉ số hiệu tiềm vận động và cảm giác thần kinh giữa với thần kinh trụ cao hơn chỉ số bình thường:
* Thời gian tiềm (DL) dây giữa cảm giác >3,5ms và/hoặc vận động >4,5ms.
* Tốc độ đo dẫn truyền (CV) cảm giác, vận động dây TK giữa <50m/s ở cổ tay.
Chẩn đoán phân biệt
Hội chứng này cần phân biệt với các hội chứng đau cổ - cánh tay khác, hội chứng chèn ép thần kinh giữa vùng cánh hoặc cẳng tay, bệnh viêm một dây thần kinh, khi bị bệnh ở tay trái có thể nhầm lẫn với đau thắt ngực, Hội chứng Raynaud.
Nguyên tắc chung
Kết hợp nhiều phương pháp điều trị: không dùng thuốc, dùng thuốc, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, ngoại khoa.
Dự phòng tái phát: điều trị nguyên nhân, loại bỏ các yếu tố nguy cơ, chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, chú ý tư thế lao động đúng.
Điều trị cụ thể
Điều trị nội khoa:
Giảm hoặc ngừng vận động gấp ngữa cổ tay trong giai đoạn cấp (thường 4-6 tuần).
Mang nẹp cổ tay: hướng dẫn người bệnh mang nẹp cổ tay liên tục hoặc mang vào ban đêm. Nẹp cổ tay giúp giữ thẳng cổ tay, giảm áp lực trong ống cổ tay. Nẹp cổ tay giúp giảm đau và cải thiện triệu chứng sau 2-4 tuần điều trị, đặc biệt mang nẹp cổ tay là lựa chọn hàng đầu để điều trị cho phụ nữ có thai.
Các thuốc giảm đau, kháng viêm non-steroid (NSAIDs) đường uống như: Diclofenac 75-150 mg/ngày, Piroxicam 20mg/ngày, Etoricoxia 30-60 mg/ngày, Celecoxib 200mg/ngày, Meloxicam 7,5-15 mg/ngày. Bệnh nhân lớn tuổi, người có bệnh tim mạch hoặc nguy cơ xuất huyết tiêu hóa nên dùng nhóm ức chế chọn lọc COX-2. Trường hợp nhẹ có thể dùng thuốc nhóm NSAIDs bôi tại chỗ.
Corticoid tại chỗ: có thể tiêm tại chỗ bằng một trong những muối của corticoid như: methylprednisolol acetat 40mg, betamethason dipropionat 5mg hoặc betamethason sodium phosphat 2mg. Tiêm corticoid tại chỗ cần thực hiện ở các cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp và phải đảm bảo vô trùng. Không nên dùng corticoid đường toàn thân.
Có thể sử dụng thêm các loại thuốc tăng dẫn truyền thần kinh như: Mecobalamin, Galantamin, Cytidin-5'-monophosphate disodium để tăng hiệu quả điều trị.
Điều trị vật lý: Xoa bóp, điện phân, sóng ngắn, laser lạnh, siêu âm để giảm đau chống viêm. Vật lý trị liệu còn được sử dụng sau khi phẫu thuật để giúp phục hồi rối loạn cảm giác và vận động của dây thần kinh giữa.
nguồn:internet
Điều trị ngoại khoa:
Điều trị ngoại khoa được áp dụng cho người bệnh ở giai đoạn nặng, có dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã điều trị nội khoa tối ưu mà không đáp ứng, có dấu hiệu nặng trên đo điện cơ. Mục đích của phẫu thuật là cắt dây chằng ngang ở cổ tay để giải phóng sự chèn ép thần kinh giữa.
Hai loại phẫu thuật ống cổ tay được thực hiện: phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi. Hiện nay phẫu thuật nội soi ít xâm lấn có nhiều ưu thế trong lựa chọn phẫu thuật. Phương pháp mổ nội soi chỉ dùng một lỗ nhỏ (khoảng 1cm) ở cổ tay, phẫu thuật viên có thể đưa dụng cụ và đèn soi vào để bóc tách, cắt dây chằng ngang, giải phóng chèn ép ở cổ tay nên ưu điểm của phương pháp mổ này là ít xâm lấn, ít tai biến, ít nhiễm trùng, ít chảy máu, nhanh hồi phục và còn mang tính thẩm mỹ cao. Bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú hoặc xuất viện sau khi phẫu thuật.
Kết luận
Hội chứng ống cổ tay là bệnh khá thường gặp trong thực tế lâm sàng. Ðiều trị sớm giúp phục hồi nhanh chóng, nếu để muộn có thể teo cơ và hạn chế vận động bàn tay.
Parish R, Morgan C, Burnett KA, et al. Practice patterns in the conservative treatment of carpal tunnel syndrome: survey results from members of the American.
Society of Hand Therapy. J Hand Ther. 2020;33(3):346–353.
American Society of Hand Therapists. Patient education resource. Carpal tunnel syndrome. Accessed March 22, 2021.
Carpal tunnel syndrome: physical therapy or surgery? J Orthop Sports Phys Ther. 2017;47(3):162.
Fernández-de-Las-Peñas C, Cleland J, Palacios-Ceña M, et al. The effectiveness of manual therapy versus surgery on self-reported function, cervical range of motion, and pinch grip force in carpal tunnel syndrome: a randomized clinical trial. J Orthop Sports Phys Ther. 2017;47(3):151–161.
Dick FD, Graveling RA, Munro W, et al. Workplace management of upper limb disorders: a systematic review. Occup Med. 2011 Jan;61(1):19-25.
ThS.BS Phạm Gia Trung
Trưởng khoa Nội – Trưởng đơn vị CXK
Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An