Yêu bao tử

ĐIỀU TRỊ LIỆT DẠ DÀY DO BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

13/10/2021

 

 

Định nghĩa Liệt dạ dày:  

Liệt dạ dày (hoặc chậm tống xuất của dạ dày) là tình trạng thức ăn di chuyển qua dạ dày chậm hơn so với mức bình thường. Trong quá trình tiêu hóa thông thường, dạ dày co bóp để nghiền nhỏ thức ăn và đẩy thức ăn xuống ruột non. Khi có bệnh lý làm giảm chức năng co bóp của dạ dày sẽ gây ra tình trạng giảm sự tống xuất thức ăn của dạ dày dẫn đến liệt dạ dày.  

Đái tháo đường là nguyên nhân thường gặp nhất của liệt dạ dày. Liệt dạ dày gặp ở 5-12% bệnh nhân đái tháo đường, nữ giới thường gặp hơn nam giới. Đái tháo đường gây liệt dạ dày thông qua cơ chế tổn thương thần kinh do tình trạng tăng đường huyết kéo dài. Một trong những thần kinh quan trọng bị tổn thương đó là thần kinh phế vị. Thần kinh phế vị có vai trò kiểm soát sự vận chuyển thức ăn qua dạ dày. Khi thần kinh phế vị bị tổn thương, chức năng co bóp của dạ dày bị ảnh hưởng dẫn đến giảm khả năng vận chuyển thức ăn của dạ dày và gây ra các triệu chứng. Liệt dạ dày thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2 trên 10 năm. 

Triệu chứng của liệt dạ dày

Triệu chứng cơ năng và thực thể của bệnh thay đổi tùy vào từng bệnh nhân, bao gồm:  

  • Buồn nôn, nôn  
  • Ợ nóng 
  • Mau no, đầy hơi 
  • Chán ăn, sụt cân không rõ lý do 
  • Nồng độ đường huyết không ổn định 
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản 
  • Co thắt dạ dày 

Biến chứng liệt dạ dày 

  • Mất nước và rối loạn điện giải: do tình trạng nôn ói kéo dài.
  • Suy dinh dưỡng: do nôn ói, chán ăn, kém hấp thu.
  • Nhiễm trùng: do thời gian thức ăn ở trong dạ dày quá lâu, dẫn đến sự lên men thức ăn tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn có hại phát triển gây ra tình trạng nhiễm trùng ở các bệnh nhân đái tháo đường vốn đã có cơ địa suy giảm miễn dịch.
  • Tắc dạ dày: do thức ăn không được di chuyển xuống tá tràng hình thành nên các khối thức ăn lớn gây tắc vị trí đổ từ dạ dày xuống tá tràng. Đây là biến chứng nguy hiểm và có thể gặp trong trường hợp liệt dạ dày mức độ nặng.
  • Khó kiểm soát đường huyết: Mặc dù liệt dạ dày không gây ra đái tháo đường, tuy nhiên tình trạng thay đổi bất thường lượng thức ăn từ dạ dày đi xuống tá tràng dẫn đến sự thay đổi nồng độ đường huyết ở các bệnh nhân này. Tình trạng đường huyết dao động nhiều, khó kiểm soát lại là yếu tố góp phần làm liệt dạ dày nặng hơn.
  • Giảm chất lượng cuộc sống.

Chẩn đoán liệt dạ dày 

Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có liệt dạ dày do đái tháo đường, các xét nghiệm cận lâm sàng sau đây có thể được chỉ định để chẩn đoán bệnh: 

  • Chụp X-quang dạ dày với barium: đây là xét nghiệm ban đầu mà bác sĩ thường thực hiện để chẩn đoán liệt dạ dày. Trước khi thực hiện, bệnh nhân cần nhịn đói 12 giờ, sau đó bệnh nhân sẽ được cho uống dung dịch chứa barium và được chụp X-quang dạ dày nhiều thời điểm. Barium sẽ hiện hình lên trong dạ dày và được tống xuất khỏi dạ dày theo chu trình tiêu hóa thông thường. Khi liệt dạ dày, barium sẽ được giữ lại trong dạ dày lâu hơn bình thường qua nhiều thời điểm chụp, giúp chẩn đoán bệnh lý này. 
  • Chụp xạ hình dạ dày: tương tự chụp X-quang dạ dày với barium, bệnh nhân sẽ được ăn thức ăn nhẹ có chứa một lượng nhỏ chất đồng vị phóng xạ. Một thiết bị chuyên dụng sẽ phát hiện thời gian chất đồng vị phóng xạ lưu lại trong dạ dày và giúp kết luận bệnh nếu chỉ số này lâu hơn thông thường. 
  • Xét nghiệm hơi thở: bệnh nhân được cho ăn thức ăn có chứa chất hóa học (không gây hại) có thể được hấp thu bởi cơ thể và được phát hiện qua hơi thở. Nồng độ chất này trong hơi thở bệnh nhân sẽ được đo ở nhiều thời điểm, giúp đánh giá mức độ tống xuất chất đó ra khỏi dạ dày nhằm phản ánh chức năng co bóp của dạ dày. 
  • Đo nhu động dạ dày: phương pháp này thực hiện bằng cách đặt một ống nhỏ vào trong miệng, xuống đến thực quản và vào trong dạ dày. Phương pháp này giúp đo hoạt động co cơ của dạ dày từ đó phát hiện bất thường chức năng co bóp của dạ dày nhằm phát hiện liệt dạ dày.

Các xét nghiệm khác 

  • Xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng rối loạn dinh dưỡng và điện giải thường gặp trong liệt dạ dày.
  • Các xét nghiệm hình ảnh học để loại trừ các bệnh lý tương tự như: bất thường đường mật, bệnh thận, viêm tụy cấp, bệnh lý ác tính… 
  • Nội soi dạ dày giúp loại trừ các bệnh lý về bất thường cấu trúc của dạ dày: viêm loét dạ dày, hẹp dạ dày, u dạ dày… 

Điều trị liệt dạ dày 

Hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi tình trạng liệt dạ dày do đái tháo đường. Điều trị tốt nhất vẫn là kiểm soát đường huyết ổn định nhằm đạt mục tiêu điều trị tùy từng bệnh nhận. Ngoài ra, các bác sĩ thường sẽ kê một số thuốc làm tăng nhu động thực quản dạ dày giúp điều trị triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên tuân thủ các hướng dẫn dưới đây để hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng: 

  • Kiểm tra đường huyết thường xuyên để kịp thời thông báo cho bác sĩ điều chỉnh liều lượng insulin và thuốc hạ đường huyết kịp thời.
  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày với chế độ ăn ít chất béo và ít chất xơ vì các chất này thường được tống xuất chậm khỏi dạ dày và làm triệu chứng nặng thêm.
  • Nhai kỹ thức ăn.
  • Uống nhiều nước.
  • Vận động nhẹ nhàng sau khi ăn, tránh nằm ít nhất 2 giờ sau khi ăn.
  • Báo cho bác sĩ biết về tất cả thuốc đang dùng vì có một số thuốc có thể làm nặng thêm tình trạng giảm co bóp dạ dày.
  • Hạn chế hoặc tránh sử dụng rượu bia, thức uống có gas.
  • Ngưng thuốc lá.
  • Tập thể dục ít nhất 150 phút/tuần.

Trong một vài trường hợp, bệnh nhân liệt dạ dày do đái tháo đường có thể được chỉ định nuôi ăn qua ống thông mũi - tá tràng hoặc qua đường tĩnh mạch khi đường huyết khó kiểm soát hoặc khi tình trạng liệt dạ dày quá nặng. Việc đặt ống thông mũi - tá tràng có thể làm thức ăn đi tắt qua dạ dày để xuống ruột non nhằm bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho bệnh nhân. Ngoài ra phương pháp này còn giúp kiểm soát nồng độ đường huyết ổn định. Đa phần việc đặt ống thông mũi-tá tràn nuôi ăn được thực hiện tạm thời và sẽ được rút khi tình trạng bệnh cải thiện. 

Ths.Bs Võ Huy Văn – Bệnh viện Đại hoc Y Dược 1 

Tài liệu tham khảo 

  1.  https://www.webmd.com/diabetes/type-1-diabetes-guide/diabetes-and-gastroparesis#1 
  2.  https://www.diabetes.co.uk/diabetes-complications/diabetes-and-gastroparesis.html 
  3.  https://gastro.org/practice-guidance/gi-patient-center/topic/diabetic-gastroparesis/ 
  4. https://www.medicalnewstoday.com/articles/324964 

 

 

Chia sẻ: