Hiểu về Alzheimer

Bộ công cụ hữu ích hỗ trợ trí nhớ của bạn

01/06/2023

Công cụ hỗ trợ trí nhớ là các thiết bị hoặc hệ thống được sử dụng để giúp người bệnh sa sút trí tuệ thực hiện một công việc mà họ không thể thực hiện được hoặc hoàn thành công việc một cách dễ dàng hơn. Chúng có thể là các thiết bị đơn giản như đồng hồ, lịch, đèn cảm ứng đến các thiết bị tiên tiến như thiết bị định vị.

1. Các công cụ trí nhớ thường dùng

Lịch hoặc nhật ký

Đặt lịch, bảng treo tường và bảng thông báo ở những nơi dễ thấy, chẳng hạn như trên tủ lạnh hoặc cạnh điện thoại bàn. Bạn có thể dùng bảng trắng để ghi chú các kế hoạch, dự định trong ngày và dễ dàng xóa đi khi thực hiện xong.

Viết vào sổ tay những điều bạn muốn ghi nhớ như danh sách những việc cần làm hoặc đã thực hiện xong, để nó ở nơi dễ thấy.

Rèn luyện thói quen kiểm tra nhật ký, lịch, bảng ghi chú thường xuyên, có thể là khi vừa thức dậy vào buổi sáng hay mỗi bữa ăn.

Gạch bỏ ngày đã trôi qua trên lịch trước khi đi ngủ để đảm bảo rằng bạn không bị nhầm lẫn về thời gian.

Hình 1: Đặt lịch ở vị trí dễ thấy và gạch bỏ ngày đã trôi qua để không bị nhầm lẫn về thời gian

Hình 1: Đặt lịch ở vị trí dễ thấy và gạch bỏ ngày đã trôi qua để không bị nhầm lẫn về thời gian

Danh sách số điện thoại

Lưu các số điện thoại cần thiết và quan trọng trong danh bạ điện thoại. Ví dụ như các số liên lạc của:

  • Người thân, bạn bè, hàng xóm.
  • Bác sĩ, phòng khám.
  • Y tá.
  • Dịch vụ đánh giá trí nhớ và cơ quan sức khỏe tâm thần cộng đồng.
  • Dịch vụ xã hội (chăm sóc người lớn tuổi).
  • Cơ sở chăm sóc.
  • Nhà thuốc.
  • Nha sĩ.
  • Bác sĩ nhãn khoa.
  • Chuyên gia vật lý trị liệu.
  • Chuyên gia về chứng sa sút trí tuệ.
  • Công ty dịch vụ công cộng.
  • Công an.
  • Các tổ chức hữu ích.

Danh sách mua sắm

Lập một danh sách những thứ cần mua trước khi đi mua sắm. Gạch bỏ ngay món đồ mà bạn vừa đặt vào trong giỏ hàng để tránh nhầm lẫn. Nếu bạn đến một cửa hàng cố định, có thể viết danh sách mua sắm dựa vào bố cục của cửa hàng. Bạn bè và người thân có thể hỗ trợ họ trong vấn đề này. Lập danh sách các món đồ bạn đã dùng hết để tiện theo dõi. Nếu bạn gặp khó khăn khi viết, giữ lại phần bao bì món đồ khi bạn dùng hết hoặc sử dụng máy ghi âm để ghi lại những món đồ bạn cần mua.

Đồng hồ lịch

Bạn có thể sử dụng đồng hồ lịch tự động để nó có thể nhắc nhở bạn về thời gian, ngày và thứ trong tuần.

2. Các công cụ trí nhớ khác

Ghi chú

Sử dụng giấy ghi chú là một cách hiệu quả để nhắc nhở bạn làm những điều quan trọng. Dán chúng ở những nơi dễ thấy (như gương phòng tắm, tủ lạnh) và đánh dấu khi bạn đã làm xong để tránh nhầm lẫn và làm việc đó lặp đi lặp lại. Chẳng hạn, bạn có thể:

  • Dán giấy ghi chú lên ngăn đá tủ lạnh để nhắc nhở bạn lấy đồ ăn ra để rã đông.
  • Dán giấy ghi chú lên kệ sách để nhắc nhở bạn trả lại sách cho thư viện khi đọc xong.

Sau khi hoàn thành các công việc, bạn phải vứt giấy nhắc nhở đi để tránh bản thân quên mất đã làm việc đó cũng như giữ cho nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp.

Nhắc hẹn

Ngoài giấy ghi chú, bạn có thể sử dụng những bảng hiệu để nhắc nhở bạn về những việc cần làm hằng ngày.

Ví dụ, bạn có thể:

  • Dán một tấm biển trước cửa để nhắc nhở bạn mang theo chìa khoá, ví, danh sách mua sắm.
  • Đặt biển báo nhắc nhở rửa tay trước khi nấu ăn cạnh bồn rửa.
  • Đặt tấm biển cạnh thùng rác để nhắc nhở bạn ngày để thu gom rác để vứt.

Mã màu

Nếu bạn có nhiều chìa khoá khiến bạn dễ nhầm lẫn, hãy thử dán nhãn hoặc dùng những màu sắc khác nhau để phân biệt chúng. Chẳng hạn chìa khoá nhà có màu đỏ và chìa khoá của garage xe có màu xanh.

Hình 2: Dùng những màu sắc khác nhau để giúp phân biệt các chìa khoá

Hình 2: Dùng những màu sắc khác nhau để giúp phân biệt các chìa khoá

Thiết bị thông minh

Nhiều loại thiết bị điện tử có thể được sử dụng để hỗ trợ cho bệnh nhân mắc chứng suy giảm trí nhớ. Những thiết bị trợ giúp này sẽ giúp người bệnh thực hiện được các công việc hàng ngày và giúp họ duy trì được khả năng độc lập, giảm phụ thuộc bạn bè, người thân. Một vài thiết bị có cách sử dụng rất đơn giản, trong khi một vài thiết bị thì phức tạp hơn, cần thời gian để làm quen. Bạn có thể cần người thân, bạn bè hoặc chuyên gia hỗ trợ để quen với cách dùng cũng như sử dụng nó một cách tối ưu nhất.

Các thiết bị thông minh như Amazon Echo, Google Home và Apple HomePod có thể hữu ích với người bệnh. Đây là những thiết bị dùng bằng giọng nói, có thể trả lời các câu hỏi và đặt lịch nhắc nhở giúp bạn. Ví dụ, nó sẽ cho bạn biết ngày giờ nếu bạn hỏi hoặc nhắc nhở bạn khi đến giờ uống thuốc.

Các thiết bị này cũng có những tính năng nâng cao hơn như giúp bạn thêm các mặt hàng vào danh sách mua sắm hay mở tivi khi bạn yêu cầu. Bạn có thể cần thêm các thiết bị hỗ trợ cho các tác vụ này và cần lắp đặt wifi trong nhà của bạn.

Đồng hồ báo thức

Sử dụng đồng hồ báo thức hoặc đồng hồ đeo tay có báo thức, chẳng hạn để nhắc nhở bạn khi có cuộc họp hay khi cần tắt bếp. Cần ghi lại lý do bạn đặt báo thức để tránh quên mất và đặt những nhắc nhở này ở nơi dễ chú ý như bảng trắng, lịch, nhật ký.

Điện thoại di động và điện thoại cảm ứng

Điện thoại di động nói chung và điện thoại cảm ứng đều giúp bạn thực hiện những tác vụ đơn giản như gọi điện và gửi tin nhắn. Tuy nhiên điện thoại cảm ứng vẫn tiện dụng hơn do nó có nhiều tính năng, cho phép bạn gửi email và còn nhiều ứng dụng tiện ích khác.

Điện thoại di động và điện thoại cảm ứng có thể hỗ trợ bạn các công việc hàng ngày như:

  • Trên màn hình điện thoại sẽ hiển thị chính xác ngày tháng năm. Bạn có thể dùng ứng dụng Lịch để nhắc nhở bạn về ngày tháng quan trọng.
  • Bạn có thể đặt lời nhắc trên cả hai loại thiết bị. Thiết bị sẽ nhắc nhở bạn đúng giờ kèm theo lời nhắc nhở mà bạn đã cài. Đây có thể là lời nhắc nhở những sự kiện diễn ra một lần hoặc những công việc hàng ngày. Một số tivi hoặc nhà cung cấp dịch vụ sẽ có tính năng nhắc nhở, vì vậy bạn có thể đặt nhắc nhở để xem hoặc ghi lại chương trình.
  • Khi bạn đặt lịch hẹn với nha sĩ hoặc bác sĩ, họ có thể gửi lời nhắc bằng văn bản hoặc email cho bạn. Hãy hỏi lại tiếp tân về điều này khi bạn đặt lịch.
  • Hầu hết điện thoại sẽ có ứng dụng ghi âm. Sử dụng ứng dụng này để ghi lại những điều bạn cần nhớ và phát lại sau.
  • Hầu hết điện thoại di động và điện thoại cảm ứng đều có camera. Bạn có thể chụp ảnh một vật gì đó để nhắc nhở mình thay vì viết ra giấy.
  • Đa số điện thoại thông minh sẽ có trợ lý ảo giống như các thiết bị thông minh đã được đề cập ở trên. Cách dùng của chúng cũng tương tự như thiết bị thông minh như bạn có thể đặt câu hỏi và đặt lời nhắc.
  • Bạn có thể lưu những món đồ trong danh sách yêu thích khi mua sắm trực tuyến để thuận tiện hơn khi mua sắm.

Hình 3: Bạn bè, người thân nên hỗ trợ người bệnh trong việc sử dụng các thiết bị thông minh, điện thoại di động

Hình 3: Bạn bè, người thân nên hỗ trợ người bệnh trong việc sử dụng các thiết bị thông minh, điện thoại di động 

Thiết bị định vị

Thiết bị định vị có thể giúp bạn tìm lại những đồ vật thất lạc như ví, chìa khoá. Một thẻ điện tử sẽ được gắn vào mỗi đồ vật.

Thiết bị định vị có thể hoạt động theo nhiều cách khác nhau. Nếu một đồ vật bị mất, nhấn nút trên thiết bị định vị chuyên dụng sẽ kích hoạt thẻ điện tử phát ra tiếng bíp, đèn nhấp nháy hoặc cả hai.

Thiết bị định vị có thể bị thất lạc, do đó tốt nhất bạn nên cất nó ở một nơi an toàn trong nhà chắn hạn như gắn trên tường hoặc cố định vào giá.

Hy vọng bài viết trên của bác sĩ sẽ giúp ích được cho bạn. Sa sút trí tuệ là hội chứng gây ra nhiều khó khăn cho cả người bệnh lẫn bạn bè và người thân. Tuy nhiên, việc áp dụng các công cụ hỗ trợ trí nhớ một cách hợp lý sẽ giúp người bệnh quản lý tốt căn bệnh của họ và sinh hoạt một cách bình thường.

Nguồn tham khảo:

  1. Memory aids and tools https://www.alzheimers.org.uk/get-support/staying-independent/memory-aids-and-tools.
  2. Helpful routines and reminders https://alzheimer.ca/en/help-support/im-living-dementia/managing-changes-your-abilities/helpful-routines-reminders.
  3. How technology can help https://www.alzheimers.org.uk/get-support/staying-independent/how-technology-can-help.
  4. Bourgeois MS. Effects of memory aids on the dyadic conversations of individuals with dementia. Journal of Applied Behavior Analysis. 1993 Mar;26(1):77-87.
  5. Weerakoon DS, Kahandawaarachchi KA, Dissanayake JD, Thilakasiri WP, Shanthakumara WD. Memory improvement tool for dementia Alzheimer’s patients. Procedia Computer Science. 2018 Jan 1;141:413-20.
  6. Australia, H. (2022). Creating a calming, helpful home for people with dementia. www.healthdirect.gov.au. Available at: https://www.healthdirect.gov.au/creating-a-calming-home-for-people-with-dementia.
Chia sẻ: