Hiểu về Alzheimer

Sa sút trí tuệ: Những điều có thể bạn chưa biết

06/06/2023

Sa sút trí tuệ không phải là căn bệnh hiếm gặp ngày nay. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh và người chăm bệnh vẫn còn nhiều bâng khuâng và thắc mắc trong quá trình sống chung với bệnh lý này. Hãy cùng tham khảo bài viết sau để rõ hơn về sa sút trí tuệ nhé!

1. Caffeine ảnh hưởng đến trí não như thế nào?

Từ lâu đã có nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa caffeine và nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. Các nghiên cứu quy mô nhỏ hoặc chỉ thực hiện trên nhóm đối tượng đặc biệt. Tuy nhiên, các nghiên cứu có thể gây ảnh hưởng lớn do thông tin được phóng đại.

Một nghiên cứu tại Florida (báo cáo năm 2012) đã theo dõi người sa sút trí tuệ mức độ nhẹ (gặp các vấn đề về suy nghĩ và trí nhớ), lượng caffeine cũng như khả năng nhận thức của họ trong hai đến bốn năm tiếp theo.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, người không mắc chứng sa sút trí tuệ có nồng độ caffeine trong máu cao gấp đôi so với người mắc bệnh này. Tuy nhiên, chỉ dựa vào nghiên cứu này không thể trả lời chắc chắn. Không có cách nào xác định nồng độ caffeine ảnh hưởng đến sa sút trí tuệ hay không và ngược lại. Chẳng hạn, các vấn đề liên quan giấc ngủ do chứng sa sút trí tuệ có thể khiến ai đó bỏ caffeine.

Các nghiên cứu khác được tiến hành trên người tình nguyện khỏe mạnh không cho kết luận thống nhất. Một số nghiên cứu thể hiện caffeine có tác dụng ngừa Alzheimer, một số lại cho thấy nó chỉ có tác động trên phụ nữ, trong khi một số nghiên cứu khác không thể hiện tác dụng cụ thể của caffeine. Tất cả các nghiên cứu này đều không xác định được nguyên nhân - kết quả tương tự nghiên cứu ở Florida.

Tiêu chuẩn vàng của loại nghiên cứu này là một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát, được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm – một nhóm dùng caffeine và một nhóm không dùng. Các nhóm này sẽ được theo dõi trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào thuộc loại này để xác nhận sự liên quan giữa caffeine và chứng sa sút trí tuệ.

Thiếu oxy là gì và liên quan caffeine như thế nào?

Theo kết quả nghiên cứu tác động trên chuột, caffeine có thể chống sa sút trí tuệ.

Các nhà nghiên cứu xem xét tình trạng cơ thể khi não thiếu oxy và tác động của caffeine trong tình trạng này. Tình trạng thiếu oxy đưa tế bào não vào trạng thái rối loạn, tương tự như rối loạn trong các thoái hóa thần kinh, ví dụ như bệnh Alzheimer. Nó kích thích giải phóng Adenosine, một chất hóa học gây phản ứng viêm dây chuyền của các enzyme. Caffeine ngăn chặn khả năng nhận tín hiệu từ Adenosine của não, giảm mức độ viêm.

Cà phê không caffeine và chứng sa sút trí tuệ

Cũng có một số suy đoán khác về khả năng chống sa sút trí tuệ của cà phê. Nghiên cứu chỉ ra cà phê chứa caffeine tăng sản xuất yếu tố kích thích bạch cầu hạt, giúp ích cho não theo nhiều cách. Điều thú vị là, tác dụng này không được tìm thấy ở caffeine riêng lẻ hay cà phê không chứa caffeine. Điều này cho thấy tác dụng trên có thể do sự kết hợp của caffeine và một hợp chất nào đó chưa biết trong cà phê.

Hình 1: Mối liên hệ giữa caffeine và sa sút trí tuệ vẫn chưa được chứng minh rõ ràng

Hình 1: Mối liên hệ giữa caffeine và sa sút trí tuệ vẫn chưa được chứng minh rõ ràng

2. Hormon và sa sút trí tuệ?

Phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ hơn nam giới và chiếm khoảng 65% số bệnh nhân sa sút trí tuệ hiện tại. Mặc dù tuổi tác là nguy cơ của chứng sa sút trí tuệ và phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn nam giới, nhưng điều này không hoàn toàn giải thích được sự khác biệt.

Các nhà khoa học chưa hoàn toàn hiểu tại sao phụ nữ có nhiều khả năng tiến triển bệnh Alzheimer hơn nam giới, nhưng, một trong những giả thuyết đặt ra là hormone oestrogen.

Mặc dù cả nam giới và phụ nữ đều sản xuất oestrogen, nhưng nó là hormon sinh dục nữ chính và phụ nữ thường có nhiều hơn. Khi trải qua thời kỳ mãn kinh, cơ thể phụ nữ ngừng sản xuất nhiều estrogen.

Mặt khác, đàn ông tiếp tục sản xuất hormone sinh dục nam testosterone trong suốt cuộc đời của họ. Testosterone chuyển thành estrogen bên trong tế bào não. Do đó, những phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh có lượng estrogen trong não thấp hơn so với nam giới cùng độ tuổi.

Vì Alzheimer phổ biến hơn ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh, nên có thể estrogen đóng vai trò bảo vệ não khỏi những tổn thương do bệnh Alzheimer gây ra và tác dụng bảo vệ này sẽ mất đi khi nồng độ estrogen giảm.

Estrogen và não bộ

Estrogen ảnh hưởng đến não theo nhiều cách khác nhau. Các nhà nghiên cứu có một số cách giải thích cho tác động của estrogen trong việc chống lại bệnh Alzheimer. Ví dụ, một nghiên cứu trên chuột đã phát hiện ra rằng estrogen giúp tăng liên kết trong một khu vực của não. Vùng não này được gọi là hồi hải mã. Hồi hải mã rất quan trọng đối với trí nhớ và một số kiểu học tập, cả hai đều bị ảnh hưởng bởi bệnh Alzheimer.

Estrogen cũng có thể ảnh hưởng đến cách các chất hóa học như serotonin, acetylcholine và dopamine sử dụng để gửi tín hiệu đi khắp não. Một số triệu chứng của bệnh Alzheimer có liên quan đến các vấn đề về  tín hiệu của  acetylcholine, có thể liên quan đến hiện tượng giảm nồng độ estrogen.

Tác dụng bảo vệ của estrogen

Bệnh Alzheimer được đặc trưng bởi sự tích tụ protein liên quan đám rối (protein Tau) và màng (b-amyloid) trong não. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng estrogen ảnh hưởng đến các protein liên quan đến bệnh Alzheimer. Oestrogen làm tăng biểu hiện của apolipoprotein E trong một số vùng não nhất định, kích thích sản xuất taui và ức chế sự hình thành b-amyloid.

Người ta vẫn chưa biết chính xác cách hai loại protein này gây ra bệnh Alzheimer, nhưng nguyên nhân có thể vì chúng đã làm các tế bào não bị tổn thương hoặc chết.

Một cách mà amyloid-β có thể gây ra bệnh Alzheimer là tăng sản xuất các phân tử bên trong tế bào, được gọi là các gốc tự do. Các gốc tự do là sản phẩm phụ của quá trình tạo năng lượng, nhưng nhiều gốc tự do có thể gây hại. Tác hại mà các gốc tự do gây ra cho các tế bào não có liên quan đến bệnh Alzheimer.

Các phân tử được gọi là chất chống oxy hóa, chống gốc tự do bằng cách phản ứng với chúng để chúng không còn gây tác hại. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ estrogen cao có thể làm giảm lượng gốc tự do do tế bào tạo ra.

Các nhà nghiên cứu cho rằng estrogen có thể khiến cơ thể sản sinh nhiều chất chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào não. Điều này có thể giải thích tại sao nồng độ estrogen của phụ nữ giảm đột ngột sau thời kỳ mãn kinh dường như khiến họ dễ mắc bệnh Alzheimer hơn.

Liệu pháp thay thế hormone

Một số phụ nữ chọn liệu pháp thay thế hormone (HRT) khi họ trải qua thời kỳ mãn kinh để giúp giảm bớt một số triệu chứng, chẳng hạn như bốc hỏa và tâm trạng thất thường. HRT thường là sự kết hợp của estrogen và một loại hormone khác là progesterone, mặc dù có nhiều loại khác nhau.

Các nghiên cứu xem liệu việc bổ sung lượng estrogen bằng cách sử dụng HRT có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ ở phụ nữ hay không vẫn chưa có kết luận và còn mâu thuẫn. Ví dụ, một số nghiên cứu về những phụ nữ đã sử dụng HRT trong thời kỳ mãn kinh cho thấy nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ của họ thấp hơn so với những người không sử dụng HRT. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác không tìm thấy bằng chứng. Một số bằng chứng cho thấy HRT thậm chí có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Các thử nghiệm lâm sàng xem xét việc sử dụng HRT để điều trị bệnh Alzheimer ở phụ nữ, thay vì phòng Alzheimer, không cho thấy bất kỳ tác dụng có lợi nào đối với nhận thức.

Cho đến khi có bằng chứng, những lợi ích của HRT (như một cách để giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer) không lớn hơn những rủi ro tiềm ẩn (tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, bệnh tim và đột quỵ).

Mặc dù vậy, hormone vẫn có thể giúp ích cho việc điều trị hoặc ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ. Các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm các hormon khác và cách sử dụng estrogen khác, có thể an toàn hơn và hiệu quả hơn. Nghiên cứu thêm về lý do tại sao phụ nữ dễ mắc chứng sa sút trí tuệ hơn nam giới cũng rất quan trọng để giúp hiểu chính xác nguyên nhân gây ra bệnh này.

Hình 2: Hormone estrogen có thể giúp giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ

Hình 2: Hormone estrogen có thể giúp giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ

3. Sa sút trí tuệ hay "tiểu đường tuýp 3"?[4] [5]

Mối quan hệ giữa bệnh Alzheimer và tiểu đường tuýp 2 vẫn đang được tranh luận. Tuy nhiên, việc kiểm soát kém lượng đường trong máu có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer. Mối liên quan này mạnh đến mức một số người đã gọi bệnh Alzheimer là “bệnh tiểu đường não” hay “bệnh tiểu đường tuýp 3 (T3D)”. Theo họ, kháng insulin và rối loạn yếu tố tăng trưởng insulin xảy ra đặc biệt trong não gây ra các mảng amyloid, viêm và stress oxy hóa, từ đó gây ra bệnh. Một số nhà khoa học cũng sử dụng thuật ngữ này với những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer.

“Bệnh tiểu đường tuýp 3” không được công nhận rộng rãi như một chẩn đoán lâm sàng. Phân loại này gây nhiều tranh cãi, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ và các tổ chức y tế lớn khác không coi đây là một loại bệnh tiểu đường.

Trong một bài đánh giá vào năm 2008, các tác giả kết luận rằng “bệnh tiểu đường tuýp 3” - thuật ngữ mô tả bệnh Alzheimer là một dạng bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến não. Theo họ, bệnh Alzheimer là một chứng rối loạn thần kinh nội tiết được đặc trưng bởi việc giảm tín hiệu insulin và yếu tố tăng trưởng giống như insulin (IGF). Nó cũng có thể gây ra stress oxy hóa và viêm trong não. Bên cạnh đó, các tác giả lưu ý rằng mặc dù béo phì và tiểu đường loại 2 có thể tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ, nhưng chúng không là nguyên nhân đầy đủ.

Một nghiên cứu khác cho biết khoảng 60% người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có khả năng mắc bệnh Alzheimer hoặc bất kỳ loại sa sút trí tuệ nào khác, cho thấy loại 2 là một trong những yếu tố nguy cơ.

Hình 3: Sa sút trí tuệ được ví như bệnh đái tháo đường tuýp 3

Hình 3: Sa sút trí tuệ được ví như bệnh đái tháo đường tuýp 3

Trên đây là một số thông tin có thể bạn chưa biết về chứng sa sút trí tuệ. Các nhận định về tác động của một số yếu tố lên chứng sa sút trí tuệ hầu hết là dự đoán và không nhất quán trên nhiều nghiên cứu. Do đó, không nên tự ý lạm dụng mà nên tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm các  triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ.

Nguồn tham khảo

  1. Caffeine and dementia https://www.alzheimers.org.uk/about-dementia/risk-factors-and-prevention/caffeine-and-dementia.
  2. Henderson VW. Oestrogens and dementia. InNeuronal and Cognitive Effects of Oestrogens: Novartis Foundation Symposium 230 2000 Jun 27 (Vol. 230, pp. 254-273). Chichester, UK: John Wiley & Sons, Ltd.
  3. Hormones and dementia https://www.alzheimers.org.uk/about-dementia/risk-factors-and-prevention/hormones-and-dementia.
  4. Nguyen TT, Ta QT, Nguyen TK, Nguyen TT, Van Giau V. Type 3 diabetes and its role implications in Alzheimer’s disease. International journal of molecular sciences. 2020 Apr 30;21(9):3165.
  5. What You Should Know About Alzheimer’s And Type 3 Diabetes? https://www.alzra.org/blog/what-you-should-know-about-alzheimers-and-type-3-diabetes/
Chia sẻ: