Hiểu về Alzheimer

Để vệ sinh cá nhân không còn nhiều mệt mỏi

30/05/2023

Vệ sinh cá nhân có thể là một thách thức đối với người mắc Alzheimer do họ có thể sẽ cảm thấy khó xử khi phải nhận sự hỗ trợ trong những hoạt động riêng tư như vậy. Họ cũng có thể gặp vấn đề trong nhận thức về độ sâu khiến việc tiếp xúc với nước trở nên đáng sợ. Ngoài ra họ có thể cảm thấy việc vệ sinh cá nhân là không cần thiết hoặc xem nó là một trải nghiệm lạnh lẽo và không thoải mái. Nếu người bệnh cảm thấy vệ sinh cá nhân là một việc đáng sợ, xấu hổ hoặc gây khó chịu, họ có thể sẽ có những hành động hoặc lời nói để từ chối việc vệ sinh cá nhân. Trong một số trường hợp, điều này có thể vượt quá tầm kiểm soát và gây nguy hiểm cho những người liên quan.

1. Nghĩ về thói quen vệ sinh cá nhân trước đây của người thân

Hãy thử nghĩ về thói quen vệ sinh cá nhân trước đây của đối phương - họ thích tắm vòi sen hay ngâm mình trong bồn tắm? Họ thích tắm vào buổi sáng hay tối? Thích được gội đầu ở tiệm hay tại nhà? Họ có đặc biệt yêu thích mùi hương, sữa tắm hoặc phấn thơm nào không? Hãy cố gắng làm theo những thói quen lúc trước của người bệnh nhiều nhất có thể, việc này có thể sẽ giúp họ cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy lưu ý rằng đôi khi không nhất thiết phải vệ sinh cá nhân mỗi ngày, việc vệ sinh cá nhân đôi khi chỉ cần 2 lần một tuần đã đủ.

2. Tạo nhà vệ sinh an toàn

Khuyến khích người bệnh tự thực hiện vệ sinh cá nhân nhiều nhất có thể, nhưng bạn vẫn phải luôn sẵn sàng để hỗ trợ khi cần. Trong giai đoạn sớm của sa sút trí tuệ, người bệnh có thể chỉ cần được nhắc nhở việc vệ sinh cá nhân. Khi bệnh tiến triển dần, họ sẽ cần hỗ trợ nhiều hơn.

Do đó, bạn cần chuẩn bị phòng tắm trước với một số gợi ý sau:

  • Tập hợp các dụng cụ vệ sinh cá nhân. Chuẩn bị khăn tắm lớn (đủ để quấn xung quanh người bệnh), dầu gội, sữa tắm, bông tắm, ghế hoặc đồ vịn khi tắm. Tất cả cần sẵn sàng trước khi bạn nhắc nhở người bệnh đi tắm.
  • Tạo không gian thoải mái. Bọc bề mặt ghế hoặc các thiết bị gây cảm giác lạnh hoặc khó chịu bằng khăn. Đảm bảo nhiệt độ phòng ở mức dễ chịu.
  • Để sữa tắm, dầu gội và các dụng cụ khác trong tầm với của người bệnh. Có thể thử sử dụng sữa tắm, dầu gội ở dạng gói giống ở khách sạn, chuẩn bị sẵn khăn để dự phòng trường hợp người bệnh bị cay mắt.
  • Theo dõi nhiệt độ nước. Người bệnh có thể không cảm nhận được nhiệt độ quá nóng hoặc có thể sẽ từ chối tắm khi nhiệt độ quá lạnh. Luôn kiểm tra nhiệt độ nước, kể cả khi người bệnh có thể tự tắm.

3. Đừng để người thân một mình trong phòng tắm

  • Không bao giờ để người bệnh một mình trong phòng tắm và luôn phải trông chừng người bệnh trong suốt thời gian đó.
  • Trong một số trường hợp, sự hài hước và vui đùa có thể sẽ có ích. Nó có thể giúp bạn xả stress cũng như giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Do đó, thay vì luôn nghiêm túc trong mọi vấn đề, hãy thử đùa giỡn cùng nhau.
  • Nếu phải để người bệnh trong nhà vệ sinh một mình, phải đảm bảo người bệnh không được sử dụng bất kỳ thuốc hoặc các vật dụng có khả năng gây nguy hiểm.

Hình 1: Không nên để người bệnh một mình trong phòng tắm mà không có sự giám sát.

Hình 1: Không nên để người bệnh một mình trong phòng tắm mà không có sự giám sát.

4. Lựa chọn quần áo phù hợp

Hãy nghĩ đến những loại quần áo thoải mái, dễ thay. Việc mặc đồ lót không vừa với cơ thể có thể sẽ gây khó chịu. Nếu bệnh nhân có tình trạng tăng hoặc sụt cân, họ có thể sẽ cần đổi kích cỡ áo lót. Tùy vào sở thích, người bệnh có thể thích mặc loại có dây hoặc không dây. Ngoài ra, những loại áo lót cài phía trước sẽ dễ mặc hơn. Không nên mang dép lê trong một thời gian dài liên tục dù thoải mái, do các loại dép này không đủ nâng đỡ cho bàn chân. Dép lê cũng khiến người mang dễ trượt ngã, ngăn không cho các cơ và khớp chân hoạt động đúng cách.

Hình 2: Khi lựa chọn quần áo cho người bệnh Alzheimer, cần lựa chọn những loại đồ thoải mái, dễ mặc.

Hình 2: Khi lựa chọn quần áo cho người bệnh Alzheimer, cần lựa chọn những loại đồ thoải mái, dễ mặc.

Khi hỗ trợ người bệnh sa sút trí tuệ lựa chọn quần áo, bạn nên:

  • Đảm bảo quần áo đang không ở mặt trái và các nút, dây kéo đều đã được gài đầy đủ.
  • Có thể thử sử dụng giày lười, giày có quai dán (băng gai dính) hoặc thay loại dây giày thông thường bằng loại dây dẻo. Việc mang giày có giây có thể khiến người sa sút trí tuệ gặp khó khăn.
  • Sử dụng các loại thắt lưng không có khóa, hoặc loại quai dán (băng gai dính) và cà vạt loại thắt sẵn. Những loại này sẽ dễ sử dụng và an toàn hơn.
  • Vào mùa đông nên mặc nhiều lớp áo mỏng thay vì một lớp áo dày để người bệnh có thể cởi bớt khi trời ấm hơn.
  • Tránh sử dụng các loại vớ bó chặt do có thể cản trở tuần hoàn.
  • Sử dụng các loại quần được thiết kế đặc biệt, có phần kéo xuống ở trước để việc đi vệ sinh ở nam giới dễ hơn.

5. Trước khi tắm, trong khi tắm và sau khi tắm

Trước khi tắm

Trước khi bắt đầu việc tắm:

  • Chuẩn bị sẵn sàng sữa tắm, khăn, dầu gội,...
  • Đảm bào phòng tắm đủ ấm và ánh sáng.
  • Có thể bật nhạc nhẹ nếu việc đó giúp người bệnh thư giãn.
  • Đề cập việc vệ sinh cá nhân như một việc hiển nhiên “Đến giờ đi tắm rồi”. Đừng tranh luận với người bệnh về sự cần thiết của việc vệ sinh cá nhân.
  • Hãy nhẹ nhàng và tôn trọng người bệnh. Thông báo những gì bạn chuẩn bị làm theo từng bước.
  • Đảm bảo nhiệt độ nước dễ chịu.
  • Không nên dùng dầu tắm do sẽ khiến phòng tắm trở nên trơn trượt và có thể gây nhiễm khuẩn đường niệu.

Trong khi tắm

Cho người bệnh tự thực hiện nhiều nhất có thể. Việc này giúp bảo vệ danh dự của họ và giúp họ cảm thấy họ đang nắm quyền kiểm soát hơn. Một số tips khác như:

  • Để khăn tắm choàng qua lưng hoặc đùi người bệnh. Điều này giúp họ cảm thấy ít bị lộ cơ thể ra hơn. Sau đó, sử dụng bông tắm hoặc khăn lau phần bên dưới khăn.
  • Đánh lạc hướng người bệnh bằng cách nói về những vấn đề khác.
  • Đưa cho người bệnh cầm một cái khăn. Điều này sẽ giảm khả năng họ sẽ tấn công bạn.

Sau khi tắm

Bạn có thể thử những cách sau:

  • Lau nhẹ nhàng da người bệnh bằng khăn để ngăn tình trạng mẩn ngứa hoặc nhiễm trùng. Đảm bảo người bệnh khô ráo hoàn toàn.
  • Nếu người bệnh bị tiểu gấp không kiểm soát, sử dụng thuốc mỡ như sáp dầu khoáng bôi xung quanh vùng hậu môn, âm đạo hoặc dương vật.
  • Nếu người bệnh có vấn đề khi di chuyển vào và ra khỏi bồn tắm, đổi sang tắm bằng vòi sen.

6. Một số Tip khi mặc quần áo

Những người mắc bệnh Alzheimer thường cần nhiều thời gian hơn để thay đồ. Họ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn trang phục. Người bệnh có thể chọn quần áo không phù hợp với thời tiết hoặc mặc những loại đồ không hợp với nhau hay thậm chí là quên mặc quần hoặc áo. Bạn hãy cho người bệnh tự mặc quần áo nếu có thể. Một số tips khác như:

  • Để quần áo theo thứ tự mặc, ví dụ như để đồ lót phía trên cùng, sau đó đến quần, áo và áo khoác.
  • Đưa người bệnh từng loại đồ một, hoặc hướng dẫn họ mặc đồ theo từng bước.
  • Bạn có thể cất bớt quần áo và chỉ giữ một đến hai bộ trong tủ.
  • Có thể khóa tủ quần áo nếu cần.
  • Bạn có thể mua sẵn nhiều bộ quần áo giống nhau nếu người bệnh muốn mặc bộ quần áo đó mỗi ngày.
  • Mua những loại quần áo thoải mái như áo lót thể thao, vớ và đồ lót bằng cotton, quần thể thao và quần thun short.
  • Tránh các loại quần có đai lưng, vớ chật, giày cao gót, vớ da.
  • Sử dụng các loại khóa dán, dây kéo có đầu khóa lớn cho quần áo thay vì dây giày, nút hoặc khóa cài.
  • Sử dụng các loại dép lê chống trượt hoặc các loại giày có quai dán.

Hy vọng qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn việc vệ sinh cá nhân cho người bệnh Alzheimer. Để việc vệ sinh cá nhân cho người bệnh được dễ dàng và an toàn, cần tạo cho người bệnh một không gian thoải mái và chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết.

Nguồn tham khảo:

  1. Caregiver’s Guide to Understanding Dementia Behaviors https://www.caregiver.org/resource/caregivers-guide-understanding-dementia-behaviors/.
  2. Bathing https://www.alz.org/help-support/caregiving/daily-care/bathing.
  3. Personal Care https://alzheimer.ca/bc/sites/bc/files/documents/day-to-day-series_personal-care.pdf.
  4. How to support a person with dementia to get dressed or change clothes https://www.alzheimers.org.uk/get-support/daily-living/getting-dressed-changing-clothes.
  5. Bathing, Dressing, and Grooming: Alzheimer's Caregiving Tips https://www.nia.nih.gov/health/bathing-dressing-and-grooming-alzheimers-caregiving-tips
Chia sẻ: