Hiểu về Alzheimer

Xem sa sút trí tuệ như là một phần trong cuộc sống

01/06/2023

Việc không may bị sa sút trí tuệ là một điều không thể thay đổi đối với bệnh nhân. Do đó, hãy tập làm quen và dần chấp nhận căn bệnh này như một phần của cuộc sống. Học cách lên kế hoạch và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho tương lai về sau. Hãy cùng tìm hiểu cách làm thế nào để xem sa sút trí tuệ như một phần trong cuộc sống qua bài viết này nhé.

1. Những việc bạn cần làm sau khi có chẩn đoán bệnh

Tìm hiểu thêm về bệnh

Trong giai đoạn sớm, các triệu chứng của bệnh sẽ không nghiêm trọng. Tùy vào loại sa sút trí tuệ mà bạn mắc phải, có một số dấu hiệu sẽ xuất hiện sớm hơn so với những dấu hiệu khác. Hãy tìm hiểu các triệu chứng phổ biến của sa sút trí tuệ mà bạn có thể gặp phải và lên kế hoạch đối phó với những triệu chứng đó.

Việc này sẽ mang lại những lợi ích sau:

  • Bất kể bạn đang ở giai đoạn nào của bệnh, biết được những gì có thể xảy ra khi bệnh tiến triển và cách ứng biến có thể giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Bằng cách hiểu rõ các triệu chứng của mình, bạn có thể chuẩn bị trước và tiếp tục tham gia được các hoạt động bạn mong muốn.
  • Có nhiều người hiện nay dù có chẩn đoán sa sút trí tuệ nhưng vẫn tận hưởng cuộc sống mỗi ngày cũng như lên kế hoạch cho tương lai của họ.

Tập trung vào những gì bạn có thể làm và những gì bạn muốn làm

  • Thay đổi sở thích và khả năng của bạn một cách thích hợp.
  • Theo đuổi những sở thích riêng hoặc nghe những bài nhạc yêu thích.
  • Tìm cách có thể giúp bạn đối mặt với những thay đổi, ví dụ như ghi những điều quan trọng ra giấy, điện thoại hoặc máy tính bảng.
  • Đơn giản hóa mọi thứ có thể.
  • Xây dựng lịch trình sinh hoạt hằng ngày.

Hình 1: Hãy tận hưởng những việc bạn làm mỗi ngày, chẳng hạn như nghe những bài hát mà bạn yêu thích

Hình 1: Hãy tận hưởng những việc bạn làm mỗi ngày, chẳng hạn như nghe những bài hát mà bạn yêu thích

Chia sẻ với người thân, bạn bè

Thật không may khi nhiều người mắc sa sút trí tuệ bị kì thị khi họ nói với người khác về tình trạng bệnh của mình. Sự kì thị này có thể do họ tự áp đặt hoặc có thể đến từ những người họ quen biết và tin tưởng.

Theo một khảo sát năm 2017 về thái độ đối với sa sút trí tuệ ở Canada:

  • Hơn 50% người Canada cảm thấy không thoải mái nói với mọi người rằng họ đang bị sa sút trí tuệ, trong đó: 46% người cảm thấy không thoải mái khi nói với gia đình và 55% đối với bạn bè.
  • Chỉ có 39% sẽ hỗ trợ cho người nhà hoặc bạn bè mở lòng về bệnh của họ.
  • Mặt khác, 72% người dân cảm thấy thoải mái tương tác với những người họ đã biết là có mắc sa sút trí tuệ.

Bạn có thể chống lại sự kỳ thị này bằng cách nói ra những gì bạn đang trải qua. Bằng cách đó, bạn có thể giúp mọi người hiểu việc mắc sa sút trí tuệ phải trải qua những gì. Ngoài ra, việc mở lòng sẽ khuyến khích mọi người muốn hiểu rõ hơn về sa sút trí tuệ và những gì họ có thể làm để giúp. Bạn có thể sẽ thấy một vài người quen của bạn bắt đầu dần lảng tránh nhưng bạn cũng sẽ tìm được những người sẽ hỗ trợ bạn hết mình trong việc sống chung với sa sút trí tuệ Những người thân nhất với bạn thường là những người được kể đầu tiên. Bạn sẽ muốn họ biết được về những thay đổi trong cuộc đời bạn giống như khi bạn bị mắc các bệnh nghiêm trọng khác.

Hãy tâm sự với những người khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất.

  • Nói với những người cần được biết như vợ/chồng hoặc con của bạn.
  • Bạn chỉ cần chia sẻ những gì mà bạn cảm thấy thoải mái.
  • Hãy thành thật với cảm xúc của bạn.
  • Hãy để những người khác biết bạn cần được giúp đỡ và cách bạn muốn được đối xử.

Khuyến khích người khác hiểu rõ hơn về bệnh này

  • Không chỉ riêng mình bạn cần phải đối mặt với những thay đổi do bệnh gây ra, những người xung quanh bạn cũng cần học cách điều chỉnh.
  • Hãy nhờ họ tìm hiểu thêm về sa sút trí tuệ, nhất là loại mà bạn được chẩn đoán.
  • Thảo luận với nhau về những gì mà bạn và họ có thể làm để giúp đỡ lẫn nhau.

Hãy cho gia đình và bạn bè của bạn biết sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến bạn như thế nào

  • Giúp họ hiểu những điều mà bạn có tự làm được và bạn vẫn còn có thể tự đưa ra quyết định.
  • Bạn bè và họ hàng bạn không sống cùng thường sẽ muốn giúp đỡ bạn bằng mọi cách. Họ sẽ muốn biết bạn hiện như thế nào nhưng lại ngại hỏi. Hãy nói chuyện với họ và khuyến khích họ giữ liên lạc.
  • Bạn có thể sẽ cảm thấy sợ mất đi sự độc lập của mình và quan ngại về trở thành gánh nặng của bạn bè và gia đình. Họ có thể giúp bạn chia sẻ gánh nặng của những cảm xúc này, và khiến bạn cảm thấy tốt hơn.

2. Cách để kiểm soát sự thay đổi của bạn

Kiểm soát thay đổi khả năng giao tiếp

Những điều bạn có thể sẽ gặp

Việc giao tiếp sẽ trở nên ngày càng khó khăn cho bạn khi sa sút trí tuệ tiến triển. Những vấn đề bạn có thể sẽ gặp phải trong suốt quá trình phát triển bệnh bao gồm:

  • Khó khăn trong việc tìm đúng từ.
  • Lặp lại liên tục các từ quen thuộc.
  • Miêu tả các đồ vật quen thuộc thay vì gọi bằng tên.
  • Dễ quên đi những suy nghĩ hiện tại.
  • Khó sắp xếp từ vựng một cách logic.
  • Có xu hướng nói tiếng địa phương.
  • Ít nói hơn.
  • Phụ thuộc nhiều vào diễn tả bằng hình thể cơ thể hơn là nói.

Lên kế hoạch để kiểm soát các thay đổi

  • Hãy cứ bình tĩnh và cho người xung quanh biết bạn cần nhiều thời gian hơn để nói chuyện.Nếu trò chuyện nhóm, các nhóm nhỏ sẽ dễ kiểm soát hơn.
  • Nói với mọi người những điều nào có thể giúp bạn tham gia vào cuộc trò chuyện tốt hơn.
  • Đi tái khám cùng với một ai đó để giúp miêu tả thông tin rõ ràng hơn.

Kiểm soát thay đổi trong xác định thời gian, không gian

Những vấn đề có thể gặp phải

Bạn có thể sẽ gặp nhiều vấn đề với việc định hướng, như dễ đi lạc hay không thể đi theo chỉ dẫn. Điều này có thể dễ nhận thấy khi bạn có những chuyên đi dài, chẳng hạn như lái xe đi du lịch hay về thăm gia đình. Bạn cũng có thể sẽ nhớ nhầm thời gian hay địa điểm của một cuộc hẹn.

Ví dụ một số trường hợp như đến hẹn sớm hơn 1 tiếng do không xác định được thời gian, hay không dám đi xe buýt vì sợ xuống nhầm trạm.

Kế hoạch để kiểm soát những thay đổi này

  • Hỏi bạn bè và người thân đi nhờ xe.
  • Đi taxi.
  • Chấp nhận sự thật về khả năng lái xe của mình (tham khảo ý kiến bác sĩ).

Kiểm soát thay đổi trong giải quyết vấn đề

Những vấn đề bạn có thể gặp phải

Sa sút trí tuệ có thể ảnh hưởng đến khả năng đánh giá. Ví dụ, bạn có thể sẽ chọn quần áo không hợp thời tiết, như mặc áo thun vào mùa đông.

Bạn có thể cũng sẽ thấy khó khăn hơn khi thực hiện các công việc cần khả năng giải quyết vấn đề. Bạn sẽ thấy khó chịu khi phải làm những việc mà bạn từng thực hiện một cách dễ dàng như học một công thức nấu ăn, bật đúng công tắc hoặc tính toán sổ sách. Đến cuối cùng, bạn sẽ phải suy nghĩ đến việc liệu có còn an toàn khi bạn tiếp tục lái xe không.

Kế hoạch để kiểm soát các vấn đề này

  • Khám phá những gì bản thân có thể làm và đâu là giới hạn.
  • Tăng cường duy trì nhận thức bằng cách thử thách, rèn luyện não bộ.
  • Tập trung vào các hoạt động mà bạn có thể kiểm soát và tận hưởng.
  • Nhờ sự giúp đỡ từ người thân và bạn bè nếu có thể.

Kiểm soát thay đổi trong tâm trạng, hành vi

Những vấn đề bạn có thể gặp phải

Việc bạn cảm thấy lo lắng, khó chịu, hay thay đổi tâm trạng là điều bình thường khi mà bạn phải đối mặt với những thay đổi trong kỹ năng và khả năng của bản thân. Một số người có thể thấy tính cách của họ thay đổi. Như một người từng miêu tả: “Bạn sẽ không còn cười như cách bạn đã từng”.

Những thay đổi phổ biến trong tính cách và hành vi bao gồm:

  • Dễ buồn bã, lo âu và giận dữ.
  • Trầm cảm hoặc mất hứng thú với mọi thứ.
  • Giấu đồ vật hoặc nghĩ rằng mọi người đang giấu giếm gì đó.
  • Tưởng tượng ra những thứ không có thật.
  • Đi thơ thẩn khỏi nhà.
  • Có những hành vi tình dục bất thường.
  • Có hành vi đánh người.
  • Hiểu nhầm những thứ họ nghe hoặc thấy.
  • Lặp lại câu hỏi hoặc hoạt động nhiều lần.
  • Không thể nghỉ ngơi, liên tục đi lại.
  • Khó ngủ, đi đêm.
  • Đi theo sau người yêu hoặc vợ/chồng đến mọi nơi.
  • Mất tự tin, có thể nhận thấy thông qua sự mất hứng thú với các hoạt động bình thường.

Thỉnh thoảng, các hành vi này không phải là triệu chứng của sa sút trí tuệ. Nó có thể là kết quả của sự tức giận do không được thấu hiểu hoặc do môi trường xung quanh, khi họ không còn cảm thấy thân thuộc mà chỉ thấy khó chịu.

Kế hoạch để kiểm soát các thay đổi

  • Làm những việc mà bạn cảm thấy thoải mái và có ý nghĩa. Tích cực vận động, ăn uống lành mạnh và giữ kết nối xã hội. Những điều này sẽ giúp bạn giảm bớt các cảm xúc tiêu cực và có thể sống tốt hơn với sa sút trí tuệ.
  • Chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của bạn với những người mà bạn tin tưởng.
  • Làm từ từ từng việc một. Thử thiền định hoặc các phương pháp giảm stress khác.
  • Gặp bác sĩ nếu cần và sử dụng thuốc theo chỉ định.
  • Nhờ gia đình, bạn bè để ý đến các cảm xúc tiêu cực của bạn và khuyến khích bạn tham gia vào các hoạt động phù hợp với khả năng của bạn.

Hình 2: Đừng ngại đến gặp bác sĩ khi cần để được tư vấn kịp thời về những vấn đề bạn gặp phải

Hình 2: Đừng ngại đến gặp bác sĩ khi cần để được tư vấn kịp thời về những vấn đề bạn gặp phải

Kiểm soát thay đổi trong khả năng vận động, học tập, làm việc

Vấn đề bạn có thể gặp phải

Sa sút trí tuệ có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động, khiến bạn cảm thấy khó khăn trong thực hiện các hoạt động thể chất như mặc quần áo, làm vườn, làm gỗ hoặc sửa chữa. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy nếu bạn có công việc hoặc sở thích liên quan đến hoạt động thể chất.

Những điều bạn có thể làm để kiểm soát vấn đề này

  • Hãy thành thật với khả năng của mình.
  • Đừng ngại nhờ sự trợ giúp với những việc bạn cảm thấy khó khăn để thực hiện.
  • Nếu bạn đang làm những công việc liên quan đến hoạt động thể chất, nói chuyện với cấp trên về việc giảm số giờ làm hoặc tìm những cơ hội việc làm khác.
  • Lên kế hoạch cho tương lai khi bạn không còn có khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày.

Qua bài viết này, hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về làm thế nào để xem sa sút trí tuệ như một phần cuộc sống. Điều này có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn và chuẩn bị được cho tương lai về sau.

Nguồn tham khảo:

  1. Managing the changes in your abilities https://alzheimer.ca/en/help-support/im-living-dementia/managing-changes-your-abilities
  2. First steps after diagnosis https://alzheimer.ca/en/help-support/im-living-dementia/first-steps-after-diagnosis
  3. Talking about your diagnosis https://alzheimer.ca/en/help-support/im-living-dementia/talking-about-your-diagnosis
  4. Communication and Alzheimer's https://www.alz.org/help-support/caregiving/daily-care/communications
  5. Coping with dementia behavior changes https://www.nhs.uk/conditions/dementia/behaviour/
  6. Managing Personality and Behavior Changes in Alzheimer's https://www.nia.nih.gov/health/managing-personality-and-behavior-changes-alzheimers
Chia sẻ: