Hiểu về Alzheimer

Những lưu ý khi chăm sóc dinh dưỡng cho người bị sa sút trí tuệ

30/05/2023

Việc quan tâm và chăm sóc đúng cách cho bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ sẽ giúp làm chậm quá trình suy giảm nhận thức của người bệnh cũng như giúp họ duy trì được lối sống lành mạnh nhất có thể. Trong đó, việc chăm sóc dinh dưỡng của người bệnh cũng đóng góp một phần quan trọng không nhỏ. Hy vọng những lời khuyên và chia sẻ sau đây về chế độ dinh dưỡng cho người sống chung với chứng sa sút trí tuệ sẽ giúp ích được cho bạn. 

1. Sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến dinh dưỡng như thế nào?

Sa sút trí tuệ có thể dẫn đến sự thay đổi về cân nặng, cảm giác thèm ăn, vị giác, khứu giác, làm bệnh nhân cảm thấy khó nhai, nuốt thức ăn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Sụt cân/tăng cân

Bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ thường sẽ quên mất giờ ăn hoặc nghĩ rằng mình đã ăn rồi vì họ không cảm thấy đói. Do đó, họ sẽ bỏ lỡ các bữa ăn, kể cả bữa phụ, khiến cho bản thân họ không được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết và dần dần họ sẽ bị sụt cân.

Nếu người bệnh sống một mình, không có người thân chăm sóc thì ngoài việc quên ăn uống, họ còn gặp khó khăn trong việc mua thực phẩm và chuẩn bị bữa ăn.

Chứng sa sút trí tuệ tác động đến các tín hiệu trong não bộ và gây ảnh hưởng đến khả năng nhận biết cơn đói, khát, mùi vị và cảm giác no của người bệnh. Hơn nữa, căn bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng nhận biết thức ăn, sử dụng dụng cụ ăn uống và thậm chí là khả năng nuốt khi bệnh tiến triển nặng hơn. Theo thời gian, người bệnh sẽ không thể ăn uống đầy đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bản thân.

Ngược lại, người bệnh cũng có thể sẽ ăn quá nhiều. Họ không thể nhớ rằng mình đã ăn hay chưa hoặc không nhận thức được mình đã no. Một số loại sa sút trí tuệ có thể làm cho bệnh nhân thèm đồ ngọt hơn, ăn nhiều hơn và điều này sẽ gây tăng cân.

Sở thích ăn uống

Chứng sa sút trí tuệ có thể làm thay đổi sở thích ăn uống của người bệnh. Họ không thể nhận ra được một số thực phẩm, mùi vị và hương vị của đồ ăn như trước. Những món ăn mà trước đây họ thích có thể sẽ không còn hấp dẫn được họ nữa do vị giác của họ thay đổi. Một số người sẽ thèm ăn đồ ngọt, thực phẩm nhiều đường hoặc đồ cay.

Bạn có thể giúp họ thỏa mãn cảm giác thèm ăn này bằng những thực phẩm bổ dưỡng như các loại rau có vị ngọt tự nhiên bao gồm cà rốt, củ cải, khoai lang, củ cải vàng,… Ngoài ra, có thể sử dụng các loại gia vị để tăng thêm vị ngọt hoặc cay như mật ong, sốt cà chua, tương ớt, tiêu, tỏi, nước chanh và tránh sử dụng quá nhiều muối.

Hình 1: Người mắc chứng sa trí tuệ có thể bị thay đổi khẩu vị, trở nên chán ăn

Hình 1: Người mắc chứng sa trí tuệ có thể bị thay đổi khẩu vị, trở nên chán ăn

2. Dinh dưỡng đầy đủ và đúng cách

Đối với người bệnh, để duy trì cơ thể khỏe mạnh thì một chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất quan trọng. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích về chế độ ăn cho bệnh nhân sa sút trí tuệ:

  • Chế độ ăn cân bằng, phối hợp đa dạng các loại thực phẩm: Rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo, thịt nạc.
  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Không phải chất nào cũng có hại và cơ thể cũng cần chất béo, vì vậy không được loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi khẩu phần ăn. Cần tránh các chất béo có hại cho tim mạch như bơ, mỡ động vật, không sử dụng dầu chiên rán dùng lại nhiều lần,…
  • Cắt giảm lượng đường tinh luyện trong chế độ ăn hàng ngày. Đây là chất thường được tìm thấy trong thực phẩm chế biến sẵn. Đường tinh luyện chỉ chứa calo và hầu như không hề có vitamin, khoáng chất hay chất xơ. Thay vì dùng đường tinh luyện, bệnh nhân có thể chế ngự cơn thèm ngọt bằng các lựa chọn tốt cho sức khoẻ hơn như trái cây, mật ong. Trong giai đoạn sau của Alzheimer, đối với bệnh nhân chán ăn, bổ sung đường vào thức ăn có thể giúp bệnh nhân ăn ngon miệng hơn.
  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối để giảm nguy cơ tăng huyết áp.
  • Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh thường chán ăn và sụt cân. Trong  những trường hợp này, bác sĩ thường khuyên người bệnh thêm bữa phụ giữa vào các bữa chính để bổ sung thêm chất dinh dưỡng và calo.
  • Giữ nước cho cơ thể. Ngoài nước lọc thì bạn có thể chọn các thực phẩm chứa hàm lượng nước cao như trái cây, nước ép, sinh tố.

Hình 2: Người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng

Hình 2: Người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng

3. Tạo không gian bữa ăn thoải mái, yên tĩnh

Trong giai đoạn giữa của bệnh Alzheimer, sự phân tâm, sao nhãng và những thay đổi về nhận thức, vị giác, khứu giác sẽ làm cho việc ăn uống trở nên khó khăn hơn. Do đó, nên:

  • Hạn chế tiếng ồn, tránh xa tivi và những thứ gây mất tập trung.
  • Dọn bàn ăn đơn giản, tránh dùng các loại đĩa, khăn trải bàn, tấm lót bàn ăn có hoa văn khiến người bệnh mất tập trung. Nên sử dụng các màu sắc tương phản để giúp người bệnh phân biệt được thức ăn trên đĩa với bàn. Có thể sử dụng khăn trải bàn bằng nhựa, khăn giấy, tạp dề để dễ dàng dọn dẹp hơn. Chỉ sử dụng những đồ dùng cần thiết cho bữa ăn. Nên dùng chén hoặc đĩa có màu trắng và tương phản với màu sắc tấm lót chén đĩa.
  • Phân biệt thức ăn với đĩa. Người bệnh sẽ có những thay đổi về khả năng cảm nhận không gian và hình ảnh khiến họ cảm thấy khó khăn để phân biệt thức ăn với đĩa hoặc đĩa với bàn. Nên tránh sử dụng các đồ dùng có nhiều hoa văn, hoạ tiết.
  • Luôn kiểm tra nhiệt độ thức ăn trước khi cho người bệnh ăn vì họ không thể tự nhận thức được rằng thức ăn có quá nóng hay không. 
  • Chỉ dọn ra một hoặc hai món ăn mỗi lần vì người bệnh thường gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định và lựa chọn.
  • Linh hoạt với sở thích ăn uống của người bệnh.
  • Dành cho người bệnh nhiều thời gian hơn để ăn. Vì người bệnh có thể mất khoảng một giờ hoặc hơn để ăn xong một bữa 
  • Để người bệnh ăn uống cùng bạn bè, người thân. Giao tiếp trong bữa ăn có thể giúp người bệnh ăn tốt hơn. 
  • Người bệnh có thể không nhớ được họ đã ăn khi nào. Chẳng hạn nếu họ đã ăn sáng nhưng vẫn tiếp tục hỏi về bữa sáng, nên cân nhắc chia bữa sáng thành nhiều bữa nhỏ như nước trái cây, kế đến bánh mì nướng và sau đó là ngũ cốc

Hình 3: Người thân, bạn bè nên dành thời gian để ăn uống và trò chuyện cùng người bệnh

Hình 3: Người thân, bạn bè nên dành thời gian để ăn uống và trò chuyện cùng người bệnh

4. Khuyến khích sự chủ động và độc lập

Trong giai đoạn giữa của bệnh Alzheimer, nên tạo cơ hội cho người bệnh tự hoàn thành mọi việc một cách độc lập nhất có thể và chỉ giúp đỡ khi cần thiết. Một số điều cần lưu ý như:

  • Khuyến khích bệnh nhân sử dụng tối đa khả năng của mình. Thay đổi món ăn và dụng cụ để việc ăn uống trở nên dễ dàng hơn. Nên sử dụng bát thay cho đĩa và thìa thay cho nĩa, hoặc thậm chí để người bệnh dùng tay để ăn nếu họ cảm thấy như vậy thuận tiện hơn.
  • Dọn những món có thể dùng bằng tay chẳng hạn như sandwich. Nên thử các loại thức ăn có kích thước vừa ăn, dễ gắp.
  • Hướng dẫn người bệnh ăn bằng cách làm mẫu. Đặt dụng cụ ăn uống vào tay người bệnh, lấy tay bạn cầm tay họ và đưa thức ăn lên miệng của họ.
  • Đặt bát và đĩa lên trên bề mặt ít trơn trượt như như vải hoặc khăn. Sử dụng cốc có nắp đậy và chỉ nên rót một nửa cốc để tránh nước bị đổ. Nên dùng ống hút có thể bẻ cong.

5. Hạn chế các vấn đề có thể xảy ra trong bữa ăn

Ở giai đoạn giữa và giai đoạn cuối của bệnh Alzheimer, các vấn đề nuốt có thể khiến người bệnh bị nghẹn khi ăn. Cần lưu ý một số điều như sau:

  • Nghiền, cắt thức ăn thành những miếng nhỏ vừa ăn hoặc chọn thức ăn mềm, lỏng để dễ nuốt hơn.
  • Cảnh giác khi thấy người bệnh có dấu hiệu bị nghẹn. Khuyến khích người bệnh ngồi thẳng, đầu hơi nghiêng về phía trước. Nếu đầu của họ còn hướng về phía sau, hãy chỉnh về phía trước. Hãy kiểm tra miệng của người bệnh để đảm bảo rằng họ đã nuốt hết thức ăn. Tìm hiểu kỹ thuật sơ cấp cứu khi bị nghẹn (thủ thuật Heimlich) để phòng khi gặp trường hợp khẩn cấp.
  • Nếu người bệnh cảm thấy không ngon miệng, giảm cảm giác thèm ăn, hãy thử chuẩn bị một vài món ăn yêu thích của họ. Ngoài ra có thể tăng cường hoạt động thể chất cho người bệnh hoặc chia bữa ăn thành nhiều bữa ăn nhỏ thay vì chỉ có ba bữa chính.

Hình 4: Nên chuẩn bị những món ăn mà người bệnh yêu thích

Hình 4: Nên chuẩn bị những món ăn mà người bệnh yêu thích 

6. Chuẩn bị cho sự thay đổi khẩu vị

Khi chứng sa sút trí tuệ tiến triển nặng hơn, khẩu vị của người bệnh sẽ thay đổi và có thể trở nên khác thường như trộn đồ ngọt và đồ mặn với nhau. Để giúp họ, bạn có thể thử một số cách sau đây:

  • Nếu người bệnh thích ăn ngọt, ưu tiên lựa chọn trái cây và rau củ có vị ngọt tự nhiên, hoặc cho thêm một lượng nhỏ mật ong, đường vào đồ ăn.
  • Sử dụng các loại thảo mộc, gia vị, nước sốt, tương ớt để tăng hương vị cho món ăn.
  • Thêm một lượng nhỏ siro, mứt hoặc mật ong vào bánh pudding để tăng vị ngọt.
  • Nên để bệnh nhân ăn những gì họ thích, ăn khi nào họ muốn.
  • Nên thử những thức ăn mà họ chưa được ăn trước đây và hãy ghi nhớ thói quen, sở thích cá nhân của họ. Nên tôn trọng sự thay đổi trong thói quen ăn uống của người bệnh.

7. Giải pháp cho tình trạng sụt cân

Dù có cố gắng nhiều như thế nào, việc người bệnh sụt cân là điều khó có thể tránh khỏi. Nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ bị suy dinh dưỡng, bệnh nhân còn dễ bị nhiễm trùng và chậm lành vết thương. Bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Nên chia thành các bữa ăn nhỏ cách nhau khoảng 2 - 3 giờ.
  • Bổ sung thực phẩm giàu calo và protein như thịt, thịt gà, cá hồi, cá thu, trứng, sữa nguyên kem và các sản phẩm từ sữa chẳng hạn như pho mát và sữa chua.
  • Thêm siro, đường, mứt, mật ong vào thức ăn, đồ uống.
  • Các thực phẩm dùng trong bữa phụ có thể là bánh quy, socola, bánh ngọt và kem.
  • Tránh sử dụng đồ uống trong bữa chính.
  • Khuyến khích dùng các thức uống bổ dưỡng như sữa nguyên kem, socola nóng, cacao hoặc sữa lắc giữa các bữa ăn.

Hy vọng những thông tin này sẽ giúp cải thiện được chất lượng cuộc sống của người bệnh đang phải sống chung với chứng sa sút trí tuệ. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tăng cường hoạt động trí não, vận động nhẹ nhàng, giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ và thăm khám định kỳ.

Nguồn tham khảo:

  1. Eating well with Dementia. https://alzheimer.ie/wp-content/uploads/2018/11/ASI-Eating-well-with-Dementia_-website_2017.pdf.
  2. Food and Eating. https://www.alz.org/help-support/caregiving/daily-care/food-eating.
  3. Dementia and Nutrition. https://www.carersuk.org/help-and-advice/your-health-and-wellbeing/the-importance-of-good-nutrition/dementia-and-nutrition/.
  4. Changes in eating habits and food preference. https://www.alzheimers.org.uk/get-support/daily-living/changes-eating-habits-food-preference.
  5. Murphy JL, Holmes J, Brooks C. Nutrition and dementia care: developing an evidence-based model for nutritional care in nursing homes. BMC geriatrics. 2017 Dec;17(1):1-4.
  6. Sliwinska S, Jeziorek M. The role of nutrition in Alzheimer’s disease. Roczniki Państwowego Zakładu Higieny. 2021;72(1).
Chia sẻ: