Hiểu về Alzheimer

Bạn cần làm gì khi người thân có những thay đổi bất thường?

30/05/2023

Chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ đặt ra cho người nhà và người chăm sóc rất nhiều thử thách. Người bệnh sa sút trí tuệ như Alzheimer hay các bệnh liên quan khác mắc chứng rối loạn não bộ sinh học tiến triển. Điều này khiến họ khó ghi nhớ mọi thứ, khó nhận thức rõ ràng, khó giao tiếp với người khác cũng như tự chăm sóc bản thân. Ngoài ra, sa sút trí tuệ có thể làm tâm trạng người bệnh thay đổi thất thường, hành vi và tính cách cũng thay đổi. Dưới đây là một số cách khắc phục những khó khăn về hành vi và giao tiếp khi chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ. Mời bạn đọc tham khảo nhé!

1. Thay đổi hành vi tính cách

Thách thức lớn nhất khi chăm sóc người thân bị sa sút trí tuệ là việc họ thay đổi tính cách, hành vi thất thường. Bạn có thể giải quyết thách thức này bằng sự sáng tạo, linh hoạt, kiên nhẫn và lòng trắc ẩn. Điều đó cũng giúp bạn không cảm thấy khó chịu và duy trì được sự hài hước của mình.

Hãy xem thử một số quy tắc cơ bản sau đây.

Chúng ta không thể thay đổi một người. Người mà bạn đang chăm sóc mắc chứng rối loạn não độ. Khi cố gắng kiểm soát hay thay đổi hành vi của họ, khả năng cao là không thành công hoặc gặp sự kháng cự. Điều quan trọng là:

  • Cố gắng điều chỉnh hành vi thay vì kiểm soát hành vi. Ví dụ, nếu người bệnh khăng khăng muốn ngủ trên sàn nhà, hãy đặt nệm trên sàn để giúp họ thoải mái hơn.
  • Hãy nhớ rằng chúng ta có thể thay đổi hành vi của mình hoặc thay đổi môi trường. Thay đổi hành vi của bản thân có thể dẫn đến thay đổi hành vi của người thân mà ta cần chăm sóc.

Đầu tiên hãy trao đổi với bác sĩ. Các vấn đề liên quan hành vi có thể là do một nguyên nhân nào đó liên quan tới sức khỏe của người bệnh: có thể người bệnh sa sút trí tuệ đang bị đau hoặc bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc. Trong một số trường hợp (chẳng hạn như đi vệ sinh không tự chủ, ảo giác,…), một số loại thuốc hoặc phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát vấn đề này. Do đó, nên trao đổi với bác sĩ về sự thay đổi hành vi của người bệnh để được tư vấn phù hợp.

Hành vi có chủ đích. Người bệnh sa sút trí tuệ thường không biết họ muốn hay cần gì. Họ có thể làm điều khác thường, chẳng hạn như lấy tất cả quần áo ra khỏi tủ. Rất có thể họ muốn có cảm giác bận rộn và làm việc năng suất. Bạn hãy xem xét nhu cầu của người bệnh thông qua hành vi của họ. Và nếu có thể, hãy cố gắng đáp ứng nhu cầu đó.

Hành vi được thực hiện vì một lý do nào đó. Điều quan trọng là phải hiểu tất cả các hành vi của người bệnh đều được thực hiện vì một lý do nào đó. Có thể do một câu nói, một hành động của ai đó hoặc sự thay đổi môi trường dẫn đến hành vi của người bệnh. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thay đổi hành vi đang phá vỡ các khuôn mẫu chúng ta tạo ra. Hãy cố gắng thử một cách tiếp cận khác.

Những gì hiệu quả hôm nay, có thể không hiệu quả trong ngày mai. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của người bệnh và sự tiến triển của bệnh. Do đó, các giải pháp hiệu quả hôm nay có thể không còn hiệu quả vào ngày mai và cần thay đổi. Và “chìa khóa” cho việc xử lý các thay đổi hành vi là sự sáng tạo, linh hoạt của bạn để giải quyết các vấn đề.

2. Đi lang thang

Người bệnh sa sút trí tuệ thường đi bộ không chủ đích, vì nhiều lý do như buồn chán, tác dụng phụ của thuốc hay để tìm kiếm thứ gì đó hoặc ai đó. Cũng có thể họ đang cố gắng giải quyết nhu cầu cá nhân như khát nước, đói, đi vệ sinh hay tập thể dục. Không phải lúc nào cũng dễ dàng hiểu được lý do thật sự khiến họ đi lung tung. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể giải quyết vấn đề này bằng cách:

  • Dành thời gian giúp người bệnh tập thể dục thường xuyên để giảm sự bồn chồn.
  • Xem xét lắp đặt ổ khóa cửa mới, loại cần sử dụng chìa khóa để mở. Nhiều bệnh nhân sa sút trí tuệ thu hẹp tầm nhìn, có thể không tìm thấy vị trí ổ khóa khi nó quá cao hay thấp.
  • Hãy thử đặt hàng rào cảnh báo bằng rèm cửa hoặc dãy màu, hoặc biển báo yêu cầu “dừng lại” hay “không được vào” cũng có thể giúp ích.
  • Đặt một tấm thảm đen hoặc sơn một khoảng đen trước hiên nhà. Chúng có thể trông như một cái hố không thể vượt qua với người sa sút trí tuệ.
  • Thêm bọc tay nắm cửa bảo vệ an toàn.
  • Cân nhắc lắp hệ thống an ninh hoặc hệ thống giám sát để quan sát người bệnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng các thiết bị kỹ thuật số hiện đại (đồng hồ đeo tay, kẹp thắt lưng,…) có hệ thống định vị hoặc một công nghệ tương tự khác. Những thiết bị này có thể giúp xác định vị trí người bệnh nếu họ đi lang thang.
  • Cất những vật dụng thiết yếu như áo khoác, ví tiền hay kính của người bệnh. Một số người sẽ không ra ngoài nếu thiếu vài thứ nhất định.
  • Yêu cầu người bệnh đeo vòng tay có mã định danh (ID) và thêu mã định danh vào quần áo của họ. Luôn có sẵn ảnh hiện tại của họ, phòng cho trường hợp bạn cần báo người thân của mình mất tích.
  • Nói với hàng xóm về hành vi đi lang thang của bệnh nhân và cho họ số điện thoại của bạn để liên hệ khi cần thiết.

3. Đi vệ sinh không tự chủ

Mất khả năng kiểm soát bàng quang hoặc đường ruột thường xảy ra khi chứng sa sút trí tuệ tiến triển. Đôi khi nó cũng xảy ra do môi trường sống. Ví dụ: người bệnh không thể nhớ nhà vệ sinh nằm ở đâu hoặc không thể đến đó kịp thời. Nếu việc đi vệ sinh không tự chủ xảy ra, hãy trấn an và thông cảm cho người bệnh. Điều này sẽ giúp họ giảm thiểu sự bối rối.

  • Xây dựng thói quen đi vệ sinh cho người bệnh.
  • Lên lịch uống nước để đảm bảo người bệnh không bị mất nước. Một số đồ uống (cà phê, trà, cola hoặc bia) có tác dụng lợi tiểu. Hạn chế uống nước vào buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Sử dụng các biển báo (có hình minh họa) để chỉ dẫn lối đi đến nhà vệ sinh.
  • Có thể mua dụng cụ đi vệ sinh và đặt trong phòng ngủ vào ban đêm để người bệnh dễ sử dụng.
  • Bạn cũng có thể mua các sản phẩm và băng vệ sinh dành cho việc đi vệ sinh không tự chủ tại các nhà thuốc hoặc siêu thị. Bác sĩ tiết niệu có thể kê toa một sản phẩm hoặc phương pháp điều trị đặc biệt khác.
  • Sử dụng quần áo dễ cởi với lưng thun hoặc khóa dán velcro và quần áo dễ giặt giũ.

4. Khó chịu, kích động, hung dữ

Sự kích động ở bệnh nhân sa sút trí tuệ liên quan đến một loạt các hành vi bao gồm khó chịu, mất ngủ và gây hấn bằng lời nói hay hành động. Thông thường, những vấn đề về hành vi này tiến triển theo các giai đoạn của bệnh, từ nhẹ đến nặng. Sự kích động thường xảy ra khi người bệnh cảm thấy bị “kiểm soát” và có thể bị kích hoạt bởi nhiều yếu tố, bao gồm môi trường sống, sự sợ hãi và mệt mỏi.

  • Giảm tiếng ồn, giảm sự bừa bộn và số lượng người trong phòng.
  • Duy trì không gian sống bằng cách giữ các thói quen. Đặt đồ đạc trong nhà tại một vị trí nhất định. Đồ vật và tranh ảnh quen thuộc sẽ mang lại cảm giác an toàn và có thể gợi lại những kỷ niệm dễ chịu cho người bệnh.
  • Giảm lượng caffein, đường và các thực phẩm có thể dễ gây kích động.
  • Hãy thử chạm nhẹ, mở nhạc êm dịu, đọc sách hoặc đi bộ với người bệnh để xoa dịu họ. Trò chuyện với họ bằng giọng trấn an. Đừng cố gắng khống chế người bệnh khi họ đang kích động.
  • Để những đồ vật nguy hiểm ngoài tầm với người bệnh.
  • Để người bệnh tự làm càng nhiều càng tốt. Bạn hãy ủng hộ sự độc lập và khả năng tự chăm sóc bản thân của họ.
  • Người bệnh thường mất khả năng kiểm soát cuộc sống, dẫn đến dễ tức giận và nổi nóng, hãy chấp nhận việc đó. Nói với họ rằng bạn hiểu cảm giác của họ.
  • Đánh lạc hướng người bệnh bằng một bữa ăn nhẹ hoặc một hoạt động nào đó, để họ quên đi những rắc rối. Đối mặt với rắc rối có thể làm người bệnh càng thêm lo lắng, căng thẳng.

Hình 2: Sự kích động, giận dữ của người bệnh sa sút trí tuệ có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố

Hình 2: Sự kích động, giận dữ của người bệnh sa sút trí tuệ có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố

5. Lặp lại những câu nói hay hành động

Bệnh nhân sa sút trí tuệ thường lặp đi lặp lại một từ, một câu nói, câu hỏi hoặc hành động. Mặc dù hành vi này thường vô hại với người bệnh, nhưng nó có thể gây khó chịu và căng thẳng cho người chăm bệnh. Hành vi này xuất hiện có thể do người bệnh cảm thấy lo lắng, buồn chán, sợ hãi hoặc do yếu tố môi trường.

  • Trấn an và làm cho người bệnh thấy thoải mái, cả bằng lời nói và cử chỉ.
  • Thử đánh lạc hướng người bệnh bằng một bữa ăn nhẹ hoặc hoạt động nào đó.
  • Tránh nhắc nhở người bệnh về việc họ vừa hỏi đi hỏi lại cùng một câu. Cố phớt lờ hành vi hoặc câu hỏi đó. Và hãy cố gắng thu hút họ vào những hoạt động khác, như ca hát hay nhờ họ “giúp” bạn làm việc nhà.
  • Hãy bàn bạc kế hoạch với người bệnh sa sút trí tuệ ngay trước khi chuẩn bị thực hiện, chứ đừng bàn trước quá sớm.
  • Có thể đặt một tấm biển trên bàn ăn, chẳng hạn như “Ăn tối lúc 6:30” hoặc “Anh về nhà lúc 5:00” để giúp người bệnh tránh được  sự lo lắng và không chắc chắn về những việc dự kiến.
  • Học cách nhận biết những hành vi cụ thể. Ví dụ, trạng thái kích động hoặc kéo quần áo có thể cho thấy người bệnh có nhu cầu sử dụng phòng tắm.

6. Hoang tưởng

Khi người bệnh đột nhiên trở nên nghi ngờ, ghen tuông hoặc buộc tội là điều đáng lo ngại. Hãy nhớ rằng, những gì người đó đang trải nghiệm là những điều rất thật đối với họ. Tốt nhất là không tranh luận hoặc không đồng ý. Đây cũng là một phần của chứng sa sút trí tuệ và bạn không nên cảm thấy khó chịu về việc này.

  • Nếu người bệnh nghĩ bị “mất trộm” tiền, hãy để cho họ tự giữ một số tiền nhỏ trong túi để họ dễ kiểm tra.
  • Giúp họ tìm kiếm đồ vật “bị mất” và sau đó đánh lạc hướng họ sang một hoạt động khác. Cố gắng tìm hiểu nơi cất giấu đồ vật ưa thích của họ, đây là những đồ vật thường được cho là “bị mất”. Và không nên tranh cãi với người bệnh.
  • Giải thích cho các thành viên khác trong gia đình và người giúp việc (nếu có) hiểu rằng những lời buộc tội của người bệnh là một phần của bệnh sa sút trí tuệ.
  • Hãy thử trấn an bằng một cái vỗ về, một cái ôm hoặc bằng những hành động. Thấu hiểu cảm giác của người bệnh đằng sau những lời buộc tội của họ và trấn an họ. Bạn có thể nói, “Em thấy điều này làm anh sợ”, hay “Hãy ở cạnh con nhé, con sẽ không để điều gì xảy ra với mẹ”.

7. Mất ngủ

Bồn chồn, kích động, mất phương hướng và các hành vi đáng lo ngại khác ở bệnh nhân sa sút trí tuệ thường trở nên tồi tệ hơn vào cuối ngày và đôi khi kéo dài suốt đêm. Các chuyên gia tin rằng hành vi này (thường gọi là mặt trời lặn) xảy ra là do nhiều yếu tố kết hợp. Chẳng hạn như kiệt sức sau một ngày dài và những thay đổi trong đồng hồ sinh học khiến người bệnh nhầm lẫn ngày và đêm.

  • Tăng cường các hoạt động ban ngày, đặc biệt là tập thể dục. Không khuyến khích người bệnh ngừng vận động và ngủ suốt ngày.
  • Xem xét lại chế độ ăn, chẳng hạn như đường, caffeine và một số loại đồ ăn vặt. Loại bỏ hoặc hạn chế các loại thực phẩm và đồ uống này vào đầu ngày. Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, nên có một bữa ăn nhẹ (chẳng hạn như nửa lát bánh sandwich) trước khi đi ngủ.
  • Lên kế hoạch cho một buổi chiều tối yên bình. Có thể đi dạo ngoài trời, chơi một trò chơi đơn giản hoặc cùng nhau nghe nhạc êm dịu.
  • Bật đèn trước khi mặt trời lặn và đóng rèm cửa vào lúc chạng vạng tối sẽ giảm thiểu bóng tối và giảm bớt sự nhầm lẫn ngày đêm. Hãy để đèn ngủ trong phòng, hành lang và phòng tắm của người bệnh.
  • Đảm bảo ngôi nhà luôn an toàn: chặn lối lên/xuống cầu thang, khóa cửa nhà bếp và cất những vật dụng nguy hiểm.
  • Cuối cùng, hãy cân nhắc trao đổi với bác sĩ về loại thuốc giúp người bệnh thư giãn và ngủ. Lưu ý, thuốc ngủ và thuốc an thần có thể giải quyết vấn đề này nhưng cũng có thể dẫn đến ra vấn đề khác. Ví dụ: ngủ ngon vào ban đêm nhưng lại dễ nhầm lẫn hơn vào ngày hôm sau.
  • Điều quan trọng khác là người chăm bệnh cũng phải ngủ đủ giấc. Nếu hoạt động ban đêm của người bệnh khiến bạn tỉnh giấc, hãy cân nhắc đến việc nhờ bạn bè, người thân hoặc thuê ai đó thay phiên chăm người bệnh để bạn có thể ngủ. Hoặc, một giấc ngủ ngắn trong ngày cũng có thể giúp ích.

Hình 3: Người chăm bệnh cũng cần được ngủ đủ giấc

Hình 3: Người chăm bệnh cũng cần được ngủ đủ giấc

8. Không chịu vệ sinh cá nhân, mặc đồ, ăn uống

Việc đảm bảo người bệnh sa sút trí tuệ ăn đủ thực phẩm bổ dưỡng và uống đủ nước là một thử thách. Người bệnh thường quên họ cần phải ăn và uống. Một số nguyên nhân khác phức tạp hơn có thể là vấn đề về răng miệng, thuốc điều trị làm giảm cảm giác thèm ăn hoặc khiến thức ăn có mùi vị lạ. Thiếu dinh dưỡng có thể gây ra nhiều hậu quả, bao gồm: giảm cân, khó chịu, mất ngủ, các vấn đề về bàng quang, đường ruột và mất phương hướng.

  • Xây dựng thời gian ăn chính và ăn vặt thành một phần của thói quen hàng ngày và lên lịch cho các bữa ăn vào cùng một thời điểm trong ngày. Thay vì ba bữa ăn lớn, hãy thử chia thành năm hoặc sáu bữa ăn nhỏ hơn.
  • Làm cho giờ ăn thành một khoảng thời gian đặc biệt. Hãy thử đặt thêm hoa hoặc mở nhạc nhẹ nhàng. Nên tắt các chương trình phát thanh và tivi.
  • Việc để người bệnh ăn uống thoải mái nên được ưu tiên hơn là bắt họ phải ăn uống gọn gàng hoặc “đúng mực”. Cắt thức ăn sẵn và nêm thức ăn, để người bệnh tự ăn. Hãy thử dùng ống hút hoặc cốc dành cho trẻ em nếu việc cầm cốc lớn trở nên khó khăn. Chỉ hỗ trợ người bệnh khi cần thiết và dành nhiều thời gian cho bữa ăn.
  • Bạn nên cùng ngồi ăn với người bệnh. Thông thường, họ sẽ bắt chước hành động của bạn và việc cùng ăn với người khác sẽ khiến bữa ăn trở nên thú vị hơn.
  • Nghĩ về người bệnh khi chuẩn bị thức ăn cho họ. Nếu họ có răng giả hoặc khó nhai/nuốt, hãy chuẩn bị thực phẩm mềm hoặc cắt thức ăn thành miếng vừa ăn.
  • Nếu khả năng nhai/nuốt có vấn đề, hãy thử nhẹ nhàng di chuyển cằm người bệnh theo chuyển động nhai hoặc vuốt nhẹ cổ họng để khuyến khích họ nuốt.
  • Nếu người bệnh cần tăng cân, hãy cung cấp đồ ăn nhẹ giàu calo bổ dưỡng giữa các bữa ăn. Ưu tiên bữa sáng chứa nhiều carbohydrate. Ngược lại, nếu họ cần giảm cân, hãy tránh những thực phẩm có hàm lượng calo cao. Bạn hãy chuẩn bị sẵn trái cây tươi, rau quả và các món ăn nhẹ lành mạnh ít calo khác.

Người bệnh sa sút trí tuệ thường gặp khó khăn trong việc nhớ và làm vệ sinh cá nhân. Chẳng hạn như đánh răng, đi vệ sinh, tắm rửa và thay quần áo thường xuyên. Từ nhỏ, chúng ta được dạy rằng đây là những hoạt động mang tính riêng tư và cá nhân cao. Do đó, bị người khác cởi quần áo và lau chùi có thể khiến người bệnh cảm thấy sợ hãi, nhục nhã và xấu hổ. Chính vì vậy, việc tắm rửa thường gây khó chịu cho cả người bệnh và người chăm bệnh.

  • Trước tiên, hãy nghĩ về thói quen vệ sinh của người bệnh. Họ thích tắm bồn hay tắm vòi sen? Tắm buổi sáng hay buổi tối? Họ gội đầu ở tiệm hay tự gội đầu? Họ có đặc biệt thích dùng một mùi hương, kem dưỡng da hay phấn nào không? Áp dụng càng nhiều thói quen trong việc tắm rửa trước đây của họ càng tốt. Điều này có thể mang lại sự thoải mái. Lưu ý rằng, không nhất thiết phải tắm hàng ngày, đôi khi hai lần một tuần là đủ.
  • Nếu người bệnh ngại, hãy đóng kín cửa và rèm cửa. Cho dù tắm vòi hoa sen hay bồn tắm, hãy phủ một chiếc khăn tắm lên phía trước người họ. Chuẩn bị sẵn khăn tắm, áo choàng hoặc quần áo khi họ tắm xong.
  • Hãy chú ý đến yếu tố môi trường, chẳng hạn như nhiệt độ phòng, nhiệt độ nước (người lớn tuổi nhạy cảm hơn với nóng/lạnh) và ánh sáng phù hợp. Bạn nên sử dụng các vật dụng an toàn như thảm chống trượt trên sàn nhà tắm, thanh vịn và ghế ngồi trong bồn tắm hoặc dưới vòi hoa sen. Vòi sen cầm tay cũng có thể là một lựa chọn tốt. Hãy nhớ rằng, bất kỳ ai cũng sợ bị trượt ngã, hãy giúp người bệnh cảm thấy an toàn khi tắm.
  • Không bao giờ để bệnh nhân sa sút trí tuệ một mình trong bồn tắm hoặc dưới vòi hoa sen mà không giám sát. Chuẩn bị sẵn tất cả vật dụng cần thiết trong phòng tắm. Bạn hãy kiểm tra nước tắm trước. Trấn an người đó rằng nước đủ ấm bằng việc để ít nước lên tay họ.
  • Nếu việc gội đầu gặp khó khăn, hãy tách nó khỏi quá trình tắm và trở thành một hoạt động riêng. Hoặc bạn có thể để người bệnh sử dụng dầu gội khô.
  • Nếu việc tắm trong bồn tắm hoặc dưới vòi hoa sen thường làm người bệnh bị thương, thì tắm bằng khăn tắm có thể là một giải pháp thay thế nhẹ nhàng. Trước đây, việc tắm trên giường chỉ dùng cho những bệnh nhân yếu và nằm liệt giường, bôi xà phòng từng chút trên giường, rửa sạch bằng nước và lau khô bằng khăn tắm. Tuy nhiên, ngày càng nhiều y tá nhận ra lợi ích việc này cũng như biến thể của nó là tắm bằng khăn đối với những bệnh nhân khác. Bao gồm cả những người mắc chứng sa sút trí tuệ cảm thấy việc tắm trong bồn tắm hoặc vòi hoa sen không thoải mái hoặc khó chịu. Tắm bằng khăn sử dụng khăn tắm lớn và khăn mặt. Khăn này được làm ẩm trong túi nhựa chứa nước ấm và xà phòng không cần xả lại. Có thể dùng chăn tắm lớn để che phủ và làm ấm người bệnh nhân, và mát xa bằng loại khăn ẩm.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích cho độc giả, nhất là người đang chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ. Do ảnh hưởng của bệnh, việc người bệnh sa sút trí tuệ thay đổi hình vi là điều có thể hiểu được. Hãy khéo léo, linh học trong cách xử trí những hành vi đó để tránh làm người bệnh khó chịu, tổn thương hơn.

Nguồn tham khảo

  1. Logan, B. (2016). Caregiver’s Guide to Understanding Dementia Behaviors. Family Caregiver Alliance. Available at: https://www.caregiver.org/resource/caregivers-guide-understanding-dementia-behaviors/.
  2. Cipriani G, Danti S, Vedovello M, Nuti A, Lucetti C. Understanding delusion in dementia: a review. Geriatrics & gerontology international. 2014 Jan;14(1):32-9.
  3. Feast A, Orrell M, Charlesworth G, Melunsky N, Poland F, Moniz-Cook E. Behavioural and psychological symptoms in dementia and the challenges for family carers: systematic review. The British Journal of Psychiatry. 2016 May;208(5):429-34.
  4. Kokorelias KM, Nguyen L, Elane G, Wasilewski MB, Rittenberg N, Cameron JI. Daughters’ experiences of shared caregiving to a parent with dementia. Scandinavian Journal of Caring Sciences. 2021 Sep;35(3):853-9.
  5. Kumar, Anil, Jaskirat Sidhu, Amandeep Goyal, Jack W. Tsao, and Jacquelyn Svercauski. "Alzheimer disease (nursing)." (2021).
Chia sẻ: