Một số vị trí trong ngôi nhà có khả năng cao làm người bệnh Alzheimer hoặc các chứng sa sút trí tuệ khác bị thương. Khi sa sút trí tuệ ngày càng tiến triển, người bệnh sẽ không còn nhận thức được các nguy hiểm đang tồn tại xung quanh họ. Bạn đọc có thể cân nhắc các biện pháp phòng ngừa dưới đây nhằm tạo ra một môi trường an toàn, có thể ngăn chặn được những tình huống nguy hiểm xảy ra và giúp tối đa hóa sự độc lập của người bệnh.
1. Tip an toàn chung tại nhà
- Cất giữ những vật dụng có khả năng gây nguy hiểm cho người bệnh. Ví dụ như: thuốc, rượu, que diêm, vật dụng nhỏ, sắt nhọn,… Nên bảo quản chúng trong một tủ có khóa an toàn.
- Cất giữ tất cả các sản phẩm tẩy rửa (nước giặt, thuốc tẩy,…) ở nơi an toàn hoặc khuất tầm nhìn, để tránh việc người bệnh nuốt phải những chất hóa học độc hại.
- Lưu số điện thoại của trung tâm kiểm soát chất độc tại địa phương để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.
- Đảm bảo các thiết bị phát hiện khí CO, phát hiện khói, bình chữa cháy,… luôn có sẵn và được kiểm tra thường xuyên.
- Loại bỏ các nguy cơ có thể gây ra vấp ngã như thảm, các loại dây dài (dây thừng, dây điện,...) hoặc những thứ lộn xộn quá mức.
- Đảm bảo phòng ốc và các lối đi luôn có ánh sáng.
- Cố định các thiết bị nội thất có kích cỡ lớn như kệ sách, tủ, tivi loại lớn,… để ngăn ngừa tình trạng ngã, đổ.
- Sử dụng ghế có tay vịn để hỗ trợ người bệnh khi chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng.
- Dán hình lên cửa kính ở vị trí ngay tầm mắt để đảm bảo cửa ra vào luôn được nhìn thấy.
- Lắp các chốt cửa ở phía trên hoặc dưới tầm mắt.
- Tháo các ổ khóa ở phía trong để ngăn ngừa những người bệnh sa sút trí tuệ tự nhốt mình trong nhà/phòng.
- Đăng ký dịch vụ thông báo, phản hồi khi có người đi lang thang.
2. An toàn tại phòng bếp
- Cửa tủ và ngăn kéo chứa các vật dễ vỡ, nguy hiểm nên được cài chốt an toàn. Các sản phẩm tẩy rửa, que diêm, kéo, dao, các thiết bị nhỏ hoặc bất cứ sản phẩm có giá trị nên được khóa và bảo quản cẩn thận.
- Nếu đang bảo quản các loại thuốc (kê đơn, không kê đơn) trong nhà bếp thì cần đặt chúng trong một tủ có khóa.
- Loại bỏ thảm và miếng bọt biển ra khỏi sàn nhà để tránh gây té ngã.
- Thiết lập khóa an toàn và ngắt tự động trên bếp.
- Không sử dụng hoặc bảo quản cẩn thận các dung dịch dễ cháy trong bếp. Bảo quản chúng trong nhà kho hoặc khu vực nào đó ngoài trời và nên khóa cẩn thận.
- Để đèn ngủ trong nhà bếp.
- Loại bỏ hoặc bảo quản an toàn thùng rác trong gia đình. Người bệnh sa sút trí tuệ có thể nuốt những vật dụng như diêm, đồ vật cứng, cục tẩy, bao ni lông, nhựa,...
- Loại bỏ trái cây, rau quả mô hình (nếu có) hoặc các nam châm hình dạng đồ ăn (loại thường đính trên tủ lạnh).
- Lắp đặt một đường dẫn nước trong bồn rửa chén để nhặt lại những đồ vật có thể bị thất lạc hoặc có thể làm tắc nghẽn đường ống dẫn nước.
- Xem xét việc ngắt kết nối thiết bị xử lý rác thải. Bệnh nhân sa sút trí tuệ có thể đặt những đồ vật hoặc chính bàn tay của họ vào máy này.
Hình 1: Loại bỏ nam châm có hình thức ăn để tránh người bệnh nuốt chúng
3. An toàn tại phòng giặt đồ, sấy ủi
- Khóa cửa phòng giặt sấy nếu có thể.
- Khóa tất cả các sản phẩm giặt là trong tủ vì các sản phẩm tẩy rửa có thể gây tử vong nếu vô tình ăn phải.
- Loại bỏ các nắm tay cầm, nút vặn ra khỏi máy giặt, máy sấy để tránh nguy cơ người bệnh ấn vào các máy móc này.
- Đóng hoặc chốt tất cả các cửa của máy giặt, máy sấy để ngăn các vật dụng khác có thể bị bỏ vào.
4. An toàn tại phòng tắm
- Không để người mắc bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ một mình trong phòng tắm.
- Loại bỏ các chốt cửa của phòng tắm để ngăn người bệnh tự nhốt mình bên trong.
- Đặt những thảm dính, đề can, thảm chống trượt trong bồn tắm hoặc dưới vòi sen. Nếu bồn tắm không được trải thảm, cần cân nhắc để những tấm thảm này bên cạnh bồn tắm, nhà vệ sinh hay bồn rửa.
- Sử dụng thảm phòng tắm loại dán tường có thể tẩy rửa để ngăn ngừa té ngã do trơn trượt trên sàn gạch ướt.
- Nên sử dụng các bồn cầu có tay vịn, hoặc lắp các tay vịn bên cạnh bồn cầu.
- Lắp các thanh vịn trong bồn tắm, bên cạnh vòi hoa sen. Màu sắc của các thanh vịn nên tương phản với màu tường để dễ nhìn thấy.
- Dùng các đầu bịt vòi nước bằng cao su xốp (loại dành cho trẻ em) trong bồn tắm để tránh trường hợp bị thương nặng nếu người bệnh sa sút trí tuệ bị ngã.
- Sử dụng ghế tắm bằng nhựa hoặc vòi hoa sen loại cầm tay để việc tắm dễ dàng hơn.
- Trong bồn tắm, vòi hoa sen, bồn rửa nên sử dụng một vòi nước duy nhất để trộn nước nóng và nước lạnh với nhau. Điều này nhằm tránh bị bỏng.
- Cài đặt nhiệt độ nước ở 120°F (khoảng 49°C) để tránh bỏng.
- Lắp một ống dẫn nước khác ở ngoài bồn rửa để nhặt lại những vật dụng nhỏ có thể bị mất hay có thể làm tắc nghẽn đường ống dẫn nước.
- Bảo quản thuốc trong một tủ khóa cẩn thận. Kiểm tra hạn dùng và bỏ những thuốc quá hạn.
- Không đặt những sản phẩm tẩy rửa dưới bồn rửa. Hoặc nếu đặt thì nên khóa nắp cẩn thận.
- Đặt đèn ngủ trong nhà tắm.
- Loại bỏ các thiết bị điện nhỏ trong phòng tắm và che các ổ cắm điện lại.
- Với người bệnh sa sút trí tuệ là nam giới, nếu họ muốn sử dụng dao cạo điện, hãy yêu cầu họ sử dụng gương bên ngoài phòng tắm để tránh tiếp xúc với nước, giảm nguy cơ giật điện.
5. An toàn tại phòng ngủ
Dự đoán những lý do người bệnh Alzheimer có thể ra khỏi giường như đói, khát nước, đi vệ sinh, bồn chồn, đau đớn. Hãy cố gắng đáp ứng những nhu cầu này cho người bệnh như: cung cấp thực phẩm, nước uống hay lập kế hoạch đi vệ sinh theo những giờ cố định trong ngày. ● Sử dụng đèn ngủ trong phòng. ● Sử dụng thiết bị giám sát (thiết bị dành cho trẻ sơ sinh) để có thể nhận được thông báo khi người bệnh té ngã hoặc có những nhu cầu khác. Đây cũng là một thiết bị hữu ích nên được đặt trong nhà tắm. ● Loại bỏ các đồ vật có thể gây té ngã trong phòng ngủ. ● Loại bỏ các máy sưởi di động. Nếu trong nhà có sử dụng quạt di động, hãy đảm bảo rằng người bệnh không thể đặt những vật nhỏ vào cánh quạt. ● Thận trọng khi sử dụng đệm điện, đệm sưởi, chăn điện, ga trải giường điện. Tất cả thiết bị trên đều có thể gây bỏng và hỏa hoạn. Ngoài ra, cần giữ điều khiển của các vật này ngoài tầm với người bệnh. ● Bệnh nhân Alzheimer có nguy cơ té ngã ra khỏi giường ngủ. Do đó, hãy đặt các tấm thảm cạnh giường và đảm bảo chúng không thể gây ra những tai nạn nghiêm trọng hơn (như vấp ngã). ● Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ di chuyển. ● Nếu bạn đang cân nhắc sử dụng giường có tay vịn hoặc xe lăn, hãy đọc các hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Hình 3: Nên sử dụng đèn ngủ trong phòng có người bệnh Alzheimer
6. An toàn tại phòng khách
- Dọn dẹp tất cả dây điện tại các khu vực mà người bệnh đi qua.
- Sửa lại hoặc thay mới các tấm thảm bị hỏng, rách.
- Dán đề-can ngang tầm mắt trên cửa kính trượt, cửa có tranh ảnh hay những đồ nội thất có gương lớn để xác định ô kính.
- Không để người bệnh Alzheimer một mình với lò sưởi đang có lửa. Cân nhắc thay thế các nguồn sưởi ấm khác.
- Giữ các thiết bị điều khiển từ xa của tivi, DVD, hệ thống âm thanh ra khỏi tầm nhìn của người sa sút trí tuệ.
7. An toàn tại khu vực để xe, tầng hầm
- Khóa tất cả các cửa vào khu vực nhà xe, nhà kho, tầng hầm nếu có thể.
- Bên trong nhà xe hoặc tầng hầm, cần giữ các thiết bị có khả năng gây nguy hiểm như các dụng cụ, máy móc, hay các dụng cụ thể thao trong một tủ kín hay để trong hộp thích hợp.
- Nên khóa tất các các phương tiện di chuyển như xe máy, xe mô tô và giữ những phương tiện này tránh tầm nhìn của người bệnh. Cân nhắc sử dụng màn che và khóa tất cả các xe, kể cả xe đạp khi không thường xuyên sử dụng. Điều này có thể làm giảm khả năng người bị bệnh Alzheimer rời khỏi nhà.
- Giữ tất cả các chất độc hại như sơn, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng, dầu hay các dụng cụ tẩy rửa khỏi tầm nhìn. Nên đặt chúng lên các vị trí cao, nơi khô ráo hay bảo quản chúng trong tủ khóa kín.
- Nếu bệnh nhân Alzheimer được phép vào nhà xe, nhà kho hay tầng hầm, tốt nhất nên được giám sát, đảm bảo khu vực đó được chiếu sáng đầy đủ, cầu thang có tay vịn để việc đi lên - xuống an toàn. Giữ lối đi gọn gàng, không để các vật dụng lộn xộn. Đồng thời, nên để các vật dụng ngoài tầm với của người bệnh.
Hình 4: Nhà xe nên được đóng kín nếu có thể
Với người bệnh Alzheimer hay các chứng sa sút trí tuệ khác, một số khu vực trong nhà có thể làm họ bị thương. Do đó, việc xây dựng và thiết kế không gian sống an toàn là điều cần thiết trong hành trình chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ.
Nguồn tham khảo
- Home Safety Checklist.. Available at: https://www.alz.org/media/Documents/alzheimers-dementia-home-safety-checklist-ts.pdf.
- National Institute on Aging (2017). Home Safety Checklist for Alzheimer’s Disease. National Institute on Aging. Available at: https://www.nia.nih.gov/health/home-safety-checklist-alzheimers-disease.
- Aarp.org. (2019). Home Safety Checklist. Available at: https://assets.aarp.org/external_sites/caregiving/checklists/checklist_homeSafety.html.