Hiểu về Alzheimer

Tip giao tiếp hiệu quả và cải thiện chất lượng quan hệ

30/05/2023

Chúng ta không phải sinh ra là đã biết cách giao tiếp với một người bị sa sút trí tuệ mà chúng ta cần phải học tập. Nâng cao kỹ năng giao tiếp sẽ giúp việc chăm sóc người bnh bị sa sút trí tuệ ít căng thẳng hơn, cũng như có thể giúp cải thiện mối quan hệ với người bệnh. Kỹ năng giao tiếp tốt cũng giúp nâng cao khả năng giải quyết các tình huống khó khăn có thể xảy ra khi chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ.

1. Chuẩn bị tâm lý tích cực trước mỗi cuộc trò chuyện

Thái độ giao tiếp và ngôn ngữ cơ thể có thể truyền đạt cảm xúc và suy nghĩ mạnh hơn cả lời nói. Hãy tạo một trạng thái tích cực khi nói chuyện với người bệnh bằng cách giữ thái độ dễ chịu và tôn trọng họ. Sử dụng biểu cảm gương mặt, giọng nói và những cử chỉ thân mật với họ để giúp truyền tải những thông điệp và bày tỏ tình cảm của bạn.

Hình 1: Luôn giao tiếp với mọi người bệnh với thái độ dễ chịu, trân trọng

Hình 1: Luôn giao tiếp với mọi người bệnh với thái độ dễ chịu, trân trọng

2. Giúp người thân tập trung tốt hơn

Khi trò chuyện với người bệnh sa sút trí tuệ, hãy hạn chế sự phiền nhiễu và tiếng ồn bằng cách tắt radio, tắt tivi, đóng cửa hoặc di chuyển đến một nơi yên tĩnh hơn. Trước khi bắt đầu trò chuyện, chắc chắn bạn đã thu hút được sự chú ý của người bệnh. Bạn có thể xưng hô với họ bằng tên hoặc theo mối quan hệ giữa bạn và họ. Bạn cũng có thể sử dụng những tín hiệu phi ngôn ngữ hoặc thử chạm vào cơ thể người bệnh để giữ sự tập trung của họ. Nếu họ đang ngồi, bạn hãy ngồi xuống ngang tầm nhìn của họ và chú ý duy trì tương tác bằng mắt.

3. Nói từng câu một, đơn giản và rõ ràng

Nên sử dụng câu từ đơn giản. Nói chậm, rõ ràng, âm điệu trấn an, dễ nghe. Không nâng cao tông giọng hoặc nói to mà hãy hạ thấp tông giọng của bạn. Nếu lúc đầu người bệnh không hiểu những gì bạn nói, hãy sử dụng cùng một từ để nhắc lại thông điệp hoặc câu hỏi của bạn. Nếu họ vẫn không hiểu, hãy đợi vài phút và diễn đạt lại câu hỏi/thông điệp ấy. Khi trò chuyện, nên sử dụng tên riêng thay vì đại từ (anh ấy, cô ấy, họ, nơi đó, nơi ấy,..) hoặc từ viết tắt.

Hình 2: Nên giao tiếp với người bệnh sa sút trí tuệ bằng những câu đơn giản, dễ hiểu

Hình 2: Nên giao tiếp với người bệnh sa sút trí tuệ bằng những câu đơn giản, dễ hiểu

4. Hỏi những câu đơn giản, dễ trả lời

Cố gắng tránh đặt quá nhiều câu hỏi hoặc hỏi những câu quá phức tạp. Người bệnh có thể bị thất vọng hoặc chán nản nếu không tìm được câu trả lời.

Cố gắng tập trung vào từng thông điệp một. Tuy việc cho người bệnh nhiều lựa chọn trong cuộc trò chuyện là điều quan trọng, nhưng quá nhiều lựa chọn, quá nhiều thông điệp có thể làm họ chán nản hoặc thất vọng.

Chọn lựa cách đặt câu hỏi sao cho người bệnh có thể trả lời dễ dàng hơn. Ví dụ, thay vì hỏi bệnh nhân muốn uống gì, hãy hỏi họ muốn uống trà hay cà phê. Câu hỏi lựa chọn sẽ dễ trả lời hơn.

5. Lắng nghe bằng cả đôi mắt và con tim

Giao tiếp là một quá trình tương tác hai chiều. Với vai trò là người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ, bạn nên học cách lắng nghe cẩn thận hơn.

Bạn cần có nhận thức rõ ràng về các thông điệp phi ngôn ngữ, chẳng hạn như biểu cảm gương mặt hay ngôn ngữ hình thể. Bạn có thể cần tiếp xúc cơ thể nhiều hơn, chẳng hạn như vỗ nhẹ vào cánh tay hay nở nụ cười khi nói chuyện.

Lắng nghe chủ động có thể giúp:

  • Tương tác bằng mắt khi giao tiếp, khuyến khích họ nhìn bạn khi một trong hai người nói chuyện.
  • Cố gắng không ngắt lời họ, cho dù bạn biết họ định nói gì.
  • Ngừng các hành động bạn đang làm để dành hết sự chú ý người bệnh khi họ đang nói chuyện.
  • Giảm thiểu những điều có thể gây phiền nhiễu cuộc đối thoại như tiếng tivi hoặc tiếng radio quá to.
  • Lặp lại những điều bạn nghe được từ người bệnh và hỏi xem điều đó có đúng không hoặc bảo họ lặp lại những gì họ nói.
  • Lắng nghe cẩn thận những gì người bệnh đang nói. Có thể khuyến khích họ bằng lời nói hoặc cử chỉ, như việc tương tác bằng mắt hoặc một cái gật đầu. Việc lắng nghe một cách chủ động thế này có thể cải thiện giao tiếp.
  • Ngôn ngữ hình thể có thể bộc lộ rất nhiều điều về cảm xúc. Biểu cảm trên gương mặt hay cách cư xử của người bệnh có thể là những dấu hiệu rõ ràng về cảm xúc của họ khi giao tiếp với bạn.
  • Nếu bạn không hiểu hết những gì người bệnh nói, hãy yêu cầu họ nói lại. Nếu bạn vẫn chưa rõ, hãy diễn đạt lại những gì họ nói để xác định xem bạn đã hiểu đúng ý họ chưa.
  • Nếu người bệnh sa sút trí tuệ gặp khó khăn trong việc tìm một từ hoặc hoàn chỉnh một câu, bạn hãy khuyến khích họ giải thích từ đó theo cách khác. Nếu họ không tìm được từ đại diện cho một đối tượng nào đó, bạn hãy yêu cầu họ mô tả nó.

Hình 3: Hãy lắng nghe người bệnh sa sút trí tuệ bằng cả ánh mắt và con tim

Hình 3: Hãy lắng nghe người bệnh sa sút trí tuệ bằng cả ánh mắt và con tim

6. Chia các hoạt động thành từng bước đơn giản

Việc chia các hành động thành từng bước đơn giản có thể giúp công việc được thực hiện hiệu quả hơn. Bạn có thể khuyến khích người bệnh làm những gì họ có thể, nhẹ nhàng nhắc nhở các bước mà họ có thể quên, hỗ trợ các bước họ không thể tự hoàn thành. Sử dụng các dấu hiệu trực quan có thể hữu ích, ví dụ như dùng tay chỉ cho họ biết vị trí đặt đĩa ăn tối.

Nên chia nhỏ hành động thành từng bước đơn giản và giúp người bệnh trong việc hoàn thành chúng.

7. Khi người thân trở nên khó chịu và mất tập trung

Nếu người bệnh khó chịu hoặc trở nên kích động, hãy thử thay đổi chủ đề hoặc nơi trò chuyện. Ví dụ, bạn có thể đề nghị đi dạo cùng họ. Trước khi bạn thay đổi chủ đề hoặc môi trường trò chuyện, việc kết nối cảm xúc với người bệnh rất quan trọng. Bạn có thể nói: “Anh thấy em đang buồn. Thật xin lỗi vì điều đó. Hay chúng ta đi ăn gì đó đi!”

8. Trả lời với một tâm thế thoải mái, hỗ trợ, đảm bảo

Người bị bệnh sa sút trí tuệ thường cảm thấy bối rối, lo lắng và không chắc chắn về bản thân. Hơn nữa, họ có thể nhầm lẫn và nhớ về những điều chưa bao giờ xảy ra. Cố gắng tránh nói với họ rằng họ đã sai, thay vào đó nên tập trung chú ý vào cảm xúc mà họ thể hiện ra (cảm xúc thực) và phản hồi lại bằng cử chỉ hoặc bằng lời nói một cách thoải mái, hỗ trợ, trấn an. Nếu đã thử các cách này mà không hiệu quả, đôi khi việc nắm tay, chạm vào, ôm hoặc khen ngợi người bệnh có thể khiến họ đáp lại bạn.

Hình 4: Đôi khi một cái ôm có thể khiến họ đáp lại bạn

Hình 4: Đôi khi một cái ôm có thể khiến họ đáp lại bạn

9. Tránh đặt những câu hỏi liên quan đến trí nhớ ngắn hạn

Nhớ lại quá khứ thường là một hành động xoa dịu và khẳng định. Nhiều bệnh nhân sa sút trí tuệ có thể không nhớ được những việc vừa xảy ra trong 45 phút trước, nhưng lại có thể nhớ rất rõ ràng những điều xảy ra trong 45 năm trước. Do đó, tránh đặt những câu hỏi liên quan đến trí nhớ ngắn hạn, chẳng hạn như hỏi trưa nay họ đã ăn gì. Thay vào đó, nên hỏi những câu chung chung về quá khứ xa xưa của người bệnh, những ký ức này có thể được lưu giữ tốt hơn.

10. Duy trì khiếu hài hước và không khí vui vẻ

Bạn hãy thể hiện sự hài hước bất cứ khi nào có thể, miễn là điều này không gây khó chịu cho đối phương. Các bệnh nhân sa sút trí tuệ có xu hướng duy trì các kỹ năng xã hội và sẽ thường cười vui vẻ đáp lại bạn. Cố gắng cười cùng nhau khi nói về những hiểu lầm hoặc sai lầm. Sự hài hước có thể giải tỏa những căng thẳng và giúp hai người gần nhau hơn. Tuy nhiên, phải đảm bảo rằng người bệnh không cảm thấy bạn đang cười nhạo họ.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ hữu ích cho bạn đọc. Việc học cách giao tiếp với người bệnh sa sút trí tuệ có thể giúp bạn hiểu họ và dễ dàng hơn trong việc chăm sóc họ.

Nguồn tham khảo

  1. Logan, B. (2016). Caregiver’s Guide to Understanding Dementia Behaviors. Family Caregiver Alliance. Available at: https://www.caregiver.org/resource/caregivers-guide-understanding-dementia-behaviors/.
  2. Gale, S.A., Acar, D. and Daffner, K.R. (2018). Dementia. The American Journal of Medicine, 131(10), pp.1161–1169. Available at: https://www.amjmed.com/article/S0002-9343(18)30098-6/fulltext.
  3. Handley, M., Bunn, F. and Goodman, C. (2017). Dementia-friendly interventions to improve the care of people living with dementia admitted to hospitals: a realist review. BMJ Open, 7(7), p.e015257. Available at: https://bmjopen.bmj.com/content/7/7/e015257.
  4. Logan, B. (2016). Caregiver’s Guide to Understanding Dementia Behaviors. Family Caregiver Alliance. Available at: https://www.caregiver.org/resource/caregivers-guide-understanding-dementia-behaviors/.
  5. Alsawy, S., Mansell, W., McEvoy, P. and Tai, S. (2017). What is good communication for people living with dementia? A mixed-methods systematic review. International Psychogeriatrics, 29(11), pp.1785–1800. Available at: https://www.cambridge.org/core/journals/international-psychogeriatrics/article/what-is-good-communication-for-people-living-with-dementia-a-mixedmethods-systematic-review/28A6C1C6A44CE0D6C164E573095C98BD.
Chia sẻ: